Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi.
Dự thảo đề xuất quy định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội (Luật Đất đai).
Theo dự thảo, người lao động có đất thu hồi bao gồm: Người lao động thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Đất đai (người lao động có đất nông nghiệp thu hồi); người lao động thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai (người lao động có đất kinh doanh thu hồi).
Dự thảo nêu rõ, người lao động có đất thu hồi được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có Quyết định thu hồi đất.
Theo dự thảo, người lao động có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ như sau:
1- Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh.
2- Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
3- Vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Kinh phí hỗ trợ đào tạo quy định tại điểm 1 và 2 nêu trên được xây dựng trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Người lao động có đất thu hồi được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách trên.
Theo dự thảo, người lao động có đất thu hồi được hỗ trợ:
1- Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm;
2- Vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ, người lao động có đất nông nghiệp thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và văn bản hướng dẫn.
Người lao động có đất kinh doanh thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ như người lao động có đất nông nghiệp thu hồi.
Kinh phí hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xây dựng trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo dự thảo, người lao động có đất thu hồi được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức cho vay tối đa bằng tổng chi phí cần thiết mà người lao động phải đóng góp theo quy định để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với từng thị trường lao động. Lãi suất bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Thời hạn vay vốn tối đa bằng thời gian đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động có đất thu hồi được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng một lần theo chính sách trên.
Khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 109 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 nêu rõ:
1. Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 176 của Luật này đối với các đối tượng sau đây:
a) Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho, được công nhận quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền;
b) Cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền;
c) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do nhận giao khoán đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản từ các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó, trừ trường hợp cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp;
d) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
2. Người được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì còn được hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ có nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh và được hỗ trợ theo quy định tại khoản 4 Điều này.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.