Bài viết sau có nội dung về hoàn thiện hồ sơ sử dụng vốn dư và kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương của Dự án vay vốn ADB trong Công văn 7076/VPCP-QHQT năm 2024.
Hoàn thiện hồ sơ sử dụng vốn dư và kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương của Dự án vay vốn ADB (Hình từ Internet)
Ngày 01/10/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 7076/VPCP-QHQT hoàn thiện hồ sơ sử dụng vốn dư và kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương của Dự án vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Theo đó, xét theo kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản 6914/BKHĐT-KTĐN năm 2024 về việc sử dụng vốn dư và kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương của Dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn” - Tiểu dự án tỉnh Bắc Kạn (Dự án), vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Công văn 7076/VPCP-QHQT năm 2024 như sau:
(1) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn:
- Rà soát, giải trình làm rõ số liệu vốn dư của Dự án đề xuất, bảo đảm vốn dư chỉ được sử dụng sau khi đã bố trí đầy đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của Dự án theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Điều 48. Vốn dư
1. Vốn dư chỉ được sử dụng sau khi đã bố trí đầy đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của dự án hoặc các hạng mục trong phân kỳ đầu tư đối với dự án gồm nhiều khoản vay phân kỳ.
- Bổ sung kiến nghị về cơ chế tài chính phần vốn dư vay ADB, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
- Giải trình, làm rõ thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương của Dự án kiến nghị kéo dài tại văn bản nêu trên so với đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
(2) Rà soát, hoàn thiện dự thảo văn bản phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo quy định, trong đó bổ sung trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung báo cáo và đề xuất, kiến nghị tại các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định và đúng quy định pháp luật.
- Theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, bảo đảm Dự án được thực hiện đúng mục đích, hiệu quả và khả năng trả nợ theo quy định; kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề phát sinh.
(3) Hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05/10/2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Các nguồn thu của ngân sách trung ương được quy định cụ thể tại Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước 2015 bao gồm:
- Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%:
+ Thuế giá trị gia tăng thu từ hàng hóa nhập khẩu;
+ Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
+ Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu;
+ Thuế bảo vệ môi trường thu từ hàng hóa nhập khẩu;
+ Thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;
+ Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam;
+ Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước trung ương thì được phép trích lại một phần hoặc toàn bộ, phần còn lại thực hiện nộp ngân sách theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Lệ phí do các cơ quan nhà nước trung ương thu, trừ lệ phí trước bạ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 37 Luật Ngân sách nhà nước 2015;
+ Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện;
+ Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý;
+ Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương xử lý;
+ Các khoản thu hồi vốn của ngân sách trung ương đầu tư tại các tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu; chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
+ Thu từ quỹ dự trữ tài chính trung ương;
+ Thu kết dư ngân sách trung ương;
+ Thu chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang của ngân sách trung ương;
+ Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
- Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương:
+ Thuế giá trị gia tăng, trừ thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước 2015;
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước 2015;
+ Thuế thu nhập cá nhân;
+ Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước 2015;
+ Thuế bảo vệ môi trường, trừ thuế bảo vệ môi trường quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Xem thêm Công văn 7076/VPCP-QHQT ban hành ngày 01/10/2024.