Dù có mức lương không cao nhưng họ vẫn có thể dành tiền mua vàng đều đặn. Bí quyết là gì?
Chi tiêu cuộc sống của nhiều người trẻ đang bị ảnh hưởng khi nền kinh tế khó khăn, bão sa thải khắp nơi và giá cả leo thang vì lạm phát. Lúc này, nhiều người đặt niềm tin vào vàng vì các kênh đầu tư như chứng khoán biến động lớn, lãi suất ngân hàng còn thấp khiến việc gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn.
Dù có mức lương không cao song có những dân văn phòng vẫn cần mẫn tiết kiệm, quản lý chi tiêu để có tiền mua vàng. Dưới đây là bí quyết của họ.
Nhật Quỳnh (23 tuổi, Hà Nội) mới bắt đầu đi làm từ tháng 2 năm nay, nhận mức lương còn khiêm tốn là 7 triệu. Nhờ sống chung với gia đình, cô gần như không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào về thực phẩm hàng ngày, chi phí nhà cửa (tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước,...)
Mức lương 7 triệu hàng tháng được cô phân bổ như sau: 1,5 triệu mua sắm quần áo mới, đồ trang điểm và đi ăn ngoài cùng bạn bè; 500 ngàn - 1 triệu cho tiền xăng xe; 2,5 triệu cho những khoản chi vụn vặt khác; 500 - 1 triệu cho tiền đi du lịch. Như vậy, Nhật Quỳnh tiết kiệm được 2 triệu, nếu trong tháng đó không cần gửi tiền biếu thêm bố mẹ. Số tiền nhàn rỗi này cô tích luỹ để mua vàng, cứ 3-4 tháng gộp lại sẽ mua 1 chỉ.
"Mẹ dặn mình vàng là tài sản giữ giá giữa thời buổi lạm phát. Hơn hết, mua vàng còn tạo cho bản thân thói quen không tiêu hết tháng lương kiếm được. Nếu sau này lương cao hơn, mình vẫn duy trì thói quen mua vàng, khi nào đợi giá tăng cao thì bán lấy tiền chênh lệch", cô bạn chia sẻ.
Phương Chi (23 tuổi, Bắc Ninh) nhân viên văn phòng nhận lương 13 triệu/tháng. Cứ mỗi khi nhận lương, cô nàng sẽ dành 5 triệu gửi tiết kiệm, 5 triệu để mua vàng. Còn lại khoảng 3 triệu/tháng là chi phí sinh hoạt, được Phương Chi phân bổ thành từng khoản nhỏ như sau:
- Tiền nhà: 1,3 triệu.
- Tiền ăn: 700 ngàn, bao gồm tiền mua đồ ăn vặt khi đi làm cùng đồng nghiệp và ăn uống cùng bạn bè vào thời gian rảnh. Phương Chi cho hay, do được công ty hỗ trợ 2 bữa sáng và trưa nên cô nàng hầu như không tốn chi phí mua thực phẩm hàng ngày.
- Tiền xăng xe: 300 ngàn.
- Tiền mua đồ vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt: 700 ngàn.
Với nhiều người, chỉ tiêu 3 triệu/tháng sẽ thật khó khăn, song với Phương Chi thì không. Nguyên nhân bởi cô nàng quan tâm đến tiết kiệm từ sớm. Cô không phải là người theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng, không có nhu cầu mua sắm hay mua đồ theo cảm xúc để làm vui bản thân. Cô hiểu rằng, việc tích luỹ tài sản và tiền bạc từ sớm sẽ có lợi cho tương lai, nhất là với những người trẻ không có nhiều sự hỗ trợ tài chính từ gia đình.
"Hiện mình không thấy áp lực và stress gì khi theo đuổi lối sống tiết kiệm trên. Mình vẫn mua quần áo cơ bản, đi ăn uống cùng bạn bè và đồng nghiệp. Ngoài ra, cá nhân mình cũng có nhiều khoản chi tiêu tiết kiệm được, đó là được công ty bao ăn và thuê nhà trọ giá rẻ của người quen. Đây là những yếu tố mà một số bạn trẻ khác ở thành phố không có được. Mình muốn tận dụng khoảng thời gian này để có quỹ tiết kiệm lớn một chút, chẳng may ne mai có việc cần dùng đến", cô nàng bày tỏ.
Đó là câu chuyện của Lâm Phương (24 tuổi, Hà Nội). Cô chia sẻ về động lực mua vàng như một khoản đầu tư phù hợp với tài chính cá nhân: "Chứng khoán đóng băng, bất động sản không phù hợp với người lương ba cọc ba đồng như mình. Do đó, tiền nhàn rỗi thì mình gửi hết vào vàng.
Bên cạnh đó, mình cũng rất ấn tượng trước câu chuyện thế hệ cô chú 'đổi đời' nhờ mua vàng tích sản, sau này đợi thị trường bùng nổ thì bán vàng mua đất và nhà. 20-30 năm sau, nếu nắm một lượng vàng trong tay, dù mình chưa chắc mua được nhà nhưng có lẽ cũng đủ để làm một số việc lớn trong đời rồi".
Cô nàng bắt đầu mua vàng từ một năm nay trở lại đây. Tháng nào, cô cũng trích ít nhất 20-30% thu nhập để mua vàng. Mặc kệ giá tăng hay giảm, cô cũng sẽ cố gắng mua thêm nửa phân - 1 chỉ vàng khi nào có đủ tiền.
Lâm Phương nhận định: "Thời buổi kinh tế khó khăn, mọi người càng quan tâm đến vàng hơn vì các khoản đầu tư khác biến động mạnh và sinh lời cao. Còn mình thấy, không chỉ trong thời buổi kinh tế khó khăn mà lúc kinh tế bình thường, vàng cũng là khoản đầu tư lý tưởng. Dù đôi khi giá vàng chững lại, thậm chí sụt giá nhưng về lâu dài, mua chúng luôn có lời".
Và để có tiền mua vàng hàng tháng, cô nàng phải cắt bớt nhiều khoản tiêu dùng, "bớt ăn bớt tiêu" để cuối tháng cầm được vàng về nhà.
Lâm Phương chia sẻ: "Bởi vì mình dành đến ít nhất 20-30% thu nhập để mua vàng nên nhiều khoản tiêu dùng khác đã phải hạn chế và cắt giảm tối đa. Cụ thể hơn là tiền đi chơi, mua quần áo và hẹn gặp bạn bè - đều giảm bớt một nửa so với thời chưa mua vàng.
Đôi khi muốn đi ăn cơm ngoài lắm, nhưng tự nhủ thôi nấu tại nhà để tiết kiệm tiền. Hay có khi muốn đặt ly nước 70-80 ngàn đồng nhưng lỡ dành tiền mua vàng trước rồi nên mình đành 'nhịn mồm'. Nhìn chung, tiết kiệm có chút vất vả nhưng khi mua được vàng về thì thấy xứng đáng".