Hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS) ảnh hưởng khoảng 8-13% phụ nữ, tuy không có cách chữa trị nhưng kiểm soát được thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục.
Khi Nur bắt đầu có kinh nguyệt lúc 10 tuổi, cô không biết rằng kinh nguyệt không đều là bất thường. Cô bị ra máu, đôi khi trong 15 ngày, đôi khi là 22 ngày và thậm chí 25 ngày. Cũng có những khoảng thời gian hai hoặc ba tháng cô không đến kỳ "đèn đỏ". Sự bất thường này có vẻ kỳ lạ đối với Nur, bởi những người bạn cùng trang lứa có kinh nguyệt đều hàng tháng và chỉ kéo dài trong khoảng một tuần. Nhưng Nur gạt bỏ nỗi lo lắng của mình.
Năm 21 tuổi, Nur trải qua khoảng thời gian không có kinh dài nhất: 8 tháng. "8 tháng quá dài và tôi cảm thấy cơ thể mình quá mệt mỏi", cô giáo 27 tuổi người Singapore nói với CNA Women.
Nur đến gặp bác sĩ phụ khoa và trong vòng một tuần, cô biết mình mắc hội chứng buồng trứng đa nang, còn gọi là PCOS. Nur, người chưa bao giờ nghe nói đến căn bệnh phụ khoa trước đây, đã rất sốc.
"Có rất nhiều điều phải làm ở tuổi 21. Tôi ước mình biết nhiều hơn về căn bệnh này và mức độ phổ biến của nó để tôi không quá sợ hãi", Nur nói.
Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 8 đến 13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị ảnh hưởng bởi Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Anupriya Agarwal, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Mount Elizabeth cho biết PCOS là một tình trạng nội tiết tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản cũng như các khía cạnh về ngoại hình của phụ nữ. Agarwal cho biết "đa nang" trong PCOS xuất phát từ nhiều u nang nhỏ (túi chứa đầy chất lỏng) phát triển trong buồng trứng.
Tiến sĩ Veronique Viardot-Foucault, giám đốc và cố vấn cấp cao về nội tiết lâm sàng tại khoa y học sinh sản thuộc Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH), cho biết PCOS là "đa yếu tố và phức tạp" với nguyên nhân không rõ ràng. Nó thường di truyền trong gia đình. Tiến sĩ Viardot-Foucault cho biết PCOS cũng thường liên quan đến các yếu tố lối sống như thiếu tập thể dục và ăn quá nhiều.
Cô giải thích PCOS khiến cơ thể khó sử dụng insulin - loại hormone giúp chuyển hóa đường và tinh bột từ thức ăn thành năng lượng. Điều này có thể dẫn đến lượng insulin trong cơ thể cao hơn khi glucose tích tụ trong máu.
Tiến sĩ Agarwal cho biết thêm, mức insulin cao có thể dẫn đến sự gia tăng hormone nam gọi là androgen, gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ.
Dấu hiệu, triệu chứng và nguy cơ của PCOS
Tiến sĩ Agarwal cho biết PCOS thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên nhưng có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ.
Các triệu chứng phổ biến của PCOS cho thấy sự mất cân bằng nội tiết tố và tình trạng kháng insulin, chẳng hạn như: Kinh nguyệt không đều, khó thụ thai, tóc mọc quá mức, rụng tóc, da dầu và/hoặc mụn trứng cá, tăng cân quá mức, rối loạn tâm trạng.
Trong khi Nur nói cô có hầu hết các triệu chứng này, một số phụ nữ mắc PCOS có thể không gặp triệu chứng rõ ràng.
Tiến sĩ Viardot-Foucault cho biết, để chẩn đoán PCOS, bác sĩ phụ khoa sẽ hỏi bệnh sử chi tiết và tiến hành kiểm tra thể chất, làm xét nghiệm máu hoặc siêu âm vùng chậu. Một phụ nữ sẽ được chẩn đoán mắc PCOS nếu cô ấy có ít nhất hai trong ba phát hiện sau:
- Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh
- Lông mọc nhiều trên mặt hoặc cơ thể và xét nghiệm máu cho thấy nồng độ testosterone cao
- Kết quả siêu âm cho thấy nhiều u nang nhỏ trong ít nhất một buồng trứng hoặc xét nghiệm máu cho thấy nồng độ cao của hormone kháng Mullerian (AMH), cho thấy số lượng trứng dự trữ cao hơn; có quá nhiều AMH có thể ngăn cản quá trình rụng trứng.
Tiến sĩ Viardot-Foucault cho biết phụ nữ mắc PCOS có xu hướng tăng nguy cơ phát triển một số vấn đề y tế sau này trong cuộc sống, chẳng hạn như tiểu đường, huyết áp cao, ung thư tử cung, ngáy và mệt mỏi vào ban ngày, thay đổi tâm trạng nghiêm trọng và các rối loạn như trầm cảm.
Cả Tiến sĩ Agarwal và Tiến sĩ Viardot-Foucault đều khuyến khích những phụ nữ có triệu chứng PCOS đi chẩn đoán sớm hơn vì điều này có thể giúp ích cho sức khỏe lâu dài của họ và ngăn ngừa các biến chứng.
Điều trị PCOS ra sao?
Hiện không có cách chữa khỏi PCOS nhưng căn bệnh này có thể được kiểm soát. Tiến sĩ Viardot-Foucault cho biết mục đích là giảm các triệu chứng, giải quyết các thách thức về khả năng sinh sản và ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng lâu dài liên quan.
Cô lưu ý rằng có thể kiểm soát tốt các triệu chứng thông qua thay đổi lối sống và điều trị y tế nếu cần thiết. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục là chìa khóa vì chúng có thể làm giảm tác hại của các triệu chứng.
Một chế độ ăn uống tốt bao gồm các loại rau giàu chất xơ như bông cải xanh, protein nạc như cá và thực phẩm chống viêm như nghệ và cà chua. Khi nói đến việc tập thể dục, WHO gợi ý 150 phút hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mẽ mỗi tuần, lý tưởng nhất là chia thành nhiều buổi.
Nur nói: "PCOS khiến tôi ý thức hơn về sức khỏe của mình. Tôi tập thể dục rất nhiều, lưu tâm đến những gì mình ăn và tôi cảm thấy yêu cơ thể mình hơn - bất chấp những thử thách".
Tiến sĩ Viardot-Foucault lưu ý các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giảm 5-10% trọng lượng cơ thể có thể khôi phục sự rụng trứng, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện cơ hội mang thai và giảm nguy cơ lâu dài mắc bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Ngoài thay đổi lối sống, điều trị y tế có thể giúp giải quyết tình trạng kinh nguyệt không đều, các vấn đề về sinh sản, mọc tóc quá mức và các vấn đề về cân nặng.
Chúng bao gồm thuốc tránh thai đường uống có chứa progesterone để giữ cho niêm mạc tử cung khỏe mạnh trong thời gian đều đặn, thuốc nhạy cảm với insulin để giảm lượng đường trong máu và thuốc kích thích rụng trứng như gonadotropin cho những người đang cố gắng mang thai.
Phụ nữ mắc PCOS cũng có thể tìm hiểu các phương pháp điều trị tình trạng tóc mọc quá mức hoặc tư vấn để giúp kiểm soát tâm trạng thất thường và trầm cảm của họ.
Chung sống với PCOS
Nur sắp kết hôn và nói với CNA Women rằng căn bệnh PCOS đã khiến cô phải đối mặt với những khó khăn tiềm tàng khi lập gia đình. "Sau khi được chẩn đoán, tôi bắt đầu thực sự suy nghĩ về việc có con. Có thể đó là một cuộc đấu tranh, nhưng tôi rất biết ơn khi có một người bạn đời luôn hỗ trợ và thấu hiểu", cô nói.
Nur nói thêm: "Tôi hy vọng mọi người biết rằng mắc bệnh phụ khoa không phải là dấu chấm hết - rất nhiều phụ nữ phải sống chung với nó. Với việc ngày càng có nhiều thông tin hơn, phụ nữ có thể đưa ra những quyết định tốt nhất để quản lý sức khỏe theo cách tốt nhất có thể".
Hướng Dương (Theo CNA Women)