Hơn 700 trẻ một huyện ở Bắc Kạn nghỉ học, 1 trường hợp tử vong do dịch cúm B

27/10/2022 22:12

PLBĐ - Trên địa bàn huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) đã có 736 học sinh sốt cao phải nghỉ học, 1 trường hợp tử vong do dịch cúm B. Vậy cúm B có nguy hiểm không và làm sao để phòng tránh?

Hàng trăm học sinh ở Bắc Kạn nghỉ học do sốt cao

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, từ các ổ dịch cúm B xuất hiện rải rác từ đầu tháng 10, đến nay tại tất cả các xã của huyện Chợ Đồn, đặc biệt tập trung chủ yếu tại Trường Tiểu học Bằng Lũng (gần 100 trường hợp). Đã có 736 trẻ em phải nghỉ học do sốt cao, trong đó có 109 trường hợp phải vào viện điều trị. Riêng các ngày từ 24-26/10, huyện đã có gần 700 em phải nghỉ học, 1 trường hợp tử vong nghi do biến chứng vì bị sốt cao kéo dài.

Các bệnh nhi vào viện có biểu hiện viêm đường hô hấp trên, sốt cao từ 38,5-40 độ C, ho, đau họng, mệt mỏi, không khó thở, không xuất huyết dưới da. Các bé chủ yếu là học sinh các trường tiểu học, mầm non.

Trước tình hình trên, Đội Cấp cứu lưu động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có mặt kịp thời để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Ông Vi Duy Tuyến - Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy, các học sinh ở Chợ Đồn mắc cúm B.

Hơn 700 trẻ một huyện ở Bắc Kạn nghỉ học, 1 trường hợp tử vong do dịch cúm B  - Ảnh 1.

Hàng trăm học sinh ở Bắc Kạn phải nghỉ học, 1 trường hợp tử vong do dịch cúm B.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Chợ Đồn đã yêu cầu Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khuyến cáo các nhà trường không nên hoang mang. Khi trẻ có các triệu chứng ốm, sốt cần theo dõi hoặc đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị. Trẻ có biểu hiện mắc bệnh không tập trung đông người, thực hiện việc giãn cách.

Hiện ngành Y tế Bắc Kạn đã tập trung phương tiện, huy động tối đa nhân lực đội Cơ động phòng chống dịch (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) phối hợp địa phương thăm khám, điều trị, tổ chức khoanh vùng khu vực có nhiều ca sốt cao.

Cúm B có nguy hiểm không?

Cúm B là một bệnh lý phổ biến do virus lành tính gây ra. Virus nhóm B chỉ có thể gây nên bệnh cúm thông thường, không gây ra đại dịch. Bệnh có thể lây truyền thông qua đường hô hấp và có thời gian ủ bệnh là từ 1 - 3 ngày. Sau đó diễn biến bệnh sẽ kéo dài khoảng 3 - 5 ngày.

Môi trường thời tiết chuyển giao là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh phát triển, do đó cúm B còn được xem là loại bệnh thời khí, hoạt động theo mùa. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mạn tính khác.

Các đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng cao bao gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi; người già từ 65 tuổi trở lên; phụ nữ có thai hoặc vừa sinh ít hơn 2 tuần; người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc một số bệnh mãn tính.

Ngoài ra, nhiễm cúm cũng có thể làm các bệnh mạn tính của người bệnh trở nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, dễ gây ra những biến chứng cho cơ thể như: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn…; viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, viêm rễ thần kinh…; viêm tai, viêm xương chũm, nhiễm độc thần kinh; ảnh hưởng tới cả mẹ bầu và thai nhi, nghiêm trọng có thể gây dị tật, sảy thai.

Hơn 700 trẻ một huyện ở Bắc Kạn nghỉ học, 1 trường hợp tử vong do dịch cúm B  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Những triệu chứng dễ nhận biết khi mắc cúm B

Khi nhiễm bệnh, triệu chứng cúm B sẽ xuất hiện trên cả đường hô hấp và toàn thân tương tự như bệnh cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, các triệu chứng cúm B sẽ đến nhanh, đột ngột và nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng thường bao gồm: Sốt từ vừa đến cao, có khi lên đến 41 độ C; ớn lạnh; viện họng; ho; chảy nước mũi và hắt hơi; mệt mỏi, yếu ớt, bủn rủn tay chân; đau nhức cơ, đau khi vận động.

Ngoài các dấu hiện trên, một số ít trường hợp bệnh cũng có thể xuất hiện các vấn đề trên đường tiêu hóa, có thể là buồn nôn, ói mửa, đau bụng, ăn mất ngon, tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Các dấu hiệu này thường phổ biến ở trẻ em và đôi khi khó phân biệt được với các bệnh lý trong dạ dày.

Có thể thấy các triệu chứng bệnh cúm B thường không quá nặng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về hô hấp khác. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh có thể giúp ngăn chặn được sự phát triển của virus và hạn chế các biến chứng. Chính vì thế, người bệnh khi cảm thấy có các triệu chứng nêu trên thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài.

Hơn 700 trẻ một huyện ở Bắc Kạn nghỉ học, 1 trường hợp tử vong do dịch cúm B  - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cần làm gì khi mắc cúm B?

Cúm B hiện chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, như hạ sốt, giảm ho... và cần kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể. Với nguyên tắc điều trị tùy từng người bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như: Hạ sốt giảm đau, hạ sốt hoặc có biểu hiện bội nhiễm thì chỉ định thuốc điều trị.

Bên cạnh đó, người bệnh cần nghỉ ngơi trong phòng có không gian thoáng, môi trường đảm bảo sạch sẽ. Đồng thời bổ sung các loại thực phẩm có chứa thảo dược, khoáng chất, vitamin giúp tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch, loại bỏ các mầm mống gây bệnh và ngăn ngừa biến chứng do virus. Bổ sung chất dinh dưỡng trong thực đơn mỗi ngày.

Đặc biệt, tiêm vaccine phòng ngừa giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm giúp giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Vaccine cúm có thể kết hợp từ 3 - 4 chủng virus cúm, phòng các loại virus khác nhau (cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và 2 loại virus cúm B) rất hữu hiệu trong việc phòng ngừa cùng lúc các chủng cúm. Hiện nay, hệ thống tiêm chủng có đầy loại vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.

Những biện pháp phòng ngừa cúm B hiệu quả

Để chủ động phòng cúm B, người dân nên thực hiện các biện pháp:

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.

- Che miệng khi hắt hơi.

- Luôn giữ ấm cơ thể.

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao nâng cao thể trạng.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần thiết.

- Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời

- Tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

Thanh Hải (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hơn 700 trẻ một huyện ở Bắc Kạn nghỉ học, 1 trường hợp tử vong do dịch cúm B
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO