Chỉ trong hơn 10 năm qua, Vietjet đã ký nhiều hợp đồng mua máy bay với 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing. Theo tính toán, tổng giá trị các bản hợp đồng này đã vượt 60 tỷ USD.
Ngày 22/7 vừa qua, tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough Airshow 2024, hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã ký kết hợp đồng mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD. Sự kiện diễn ra với sự chứng kiến của ông Christian Scherer, Tổng Giám đốc của Airbus và Chủ tịch HĐQT Vietjet, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo.
Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất tại Airshow năm nay. Các máy bay sẽ được khai thác trên mạng bay tầm xa đang phát triển của hãng cũng như trên các đường bay có nhu cầu cao trong khu vực. Các tàu bay mới sẽ thay thế đội máy bay A330-300 hiện tại của hãng cũng như hỗ trợ kế hoạch mở rộng mạng bay xa hơn.
A330neo có không gian cá nhân rộng hơn, hộc chứa đồ bên trên rộng hơn, hệ thống chiếu sáng thế hệ mới, hệ thống giải trí trên chuyến bay tiên tiến nhất và kết nối đầy đủ. Được trang bị động cơ Rolls-Royce Trent 7000 tiên tiến nhất, máy bay A330-900 có tầm bay liên tục 7.200nm/13.300km.
Đây là lần đầu tiên nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là người chứng kiến buổi ký kết, chứ không phải người trực tiếp ký kết hợp đồng, bởi từ tháng 4/2023 bà Thảo đã thôi làm Tổng giám đốc Vietjet Air để đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trước đó, bà Thảo với vai trò CEO từng đại diện cho Vietjet Air ký kết nhiều hợp đồng mua máy bay trị giá hàng tỷ USD.
Tháng 2/2014 , tại triển lãm hàng không (AirShow) ở Singapore và trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hàng không EU - ASEAN, VietjetAir và Airbus đã ký kết Hợp đồng triển khai đơn hàng hơn 100 tàu bay để phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động trong tương lai của hãng. Đây là Hợp đồng mua bán dòng máy bay một lối đi mới và hiện đại nhất của Airbus lúc bấy giờ, bao gồm 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác.
Giá trị Hợp đồng cho 63 chiếc máy bay là 6,4 tỷ USD. và tổng giá trị Hợp đồng cho 100 chiếc tàu bay là 9,1 tỷ USD.
Tháng 6/2015 , tại Triển lãm Hàng không quốc tế Paris Air Show 2015, Vietjet và Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua thêm 6 chiếc máy bay dòng A321 tổng giá trị công bố là 682 triệu USD.
Đây là loại máy bay một lối đi mới và hiện đại của Airbus, bổ sung vào gói hợp đồng mua và thuê 100 tàu bay mà hai bên ký kết vào năm 2014.
Tháng 5/2016 , tại Hà Nội, Vietjet và Boeing ký hợp đồng mua 100 máy bay B737 Max 200 trị giá 11,3 tỷ USD. Buổi ký kết được thực hiện trong chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Đây được coi là một chuyến đi lịch sử, đánh dấu hai thập niên bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
B737 MAX 200 là dòng tàu bay thân hẹp có tích hợp động cơ CFM International LEAP-1B, hệ thống cánh nhỏ, được quảng bá có thể tiết kiệm 20% tiêu hao nhiên liệu so thế hệ Next-Generation 737 đời đầu tiên.
Tháng 7/2018 , tại triển lãm hàng không thế giới Farnborough Airshow 2018 tại Anh Quốc, Vietjet và Boeing đã ký kết hợp đồng 100 tàu bay B737 MAX trị giá 12,7 tỷ USD.
Đơn hàng mới của Vietjet sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển liên minh hàng không của hãng trong khu vực và trên thế giới, đồng thời đảm bảo đội tàu bay mới của hãng đồng bộ, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu cho tới năm 2025. Hợp đồng quan trọng lần này đồng thời góp phần tăng thêm kim ngạch thương mại giữa hai nước Mỹ và Việt Nam.
Tháng 11/2018 , tại Hà Nội, Vietjet và Airbus đã ký kết hợp đồng đặt mua 50 tàu bay A321neo trị giá 6,5 tỷ USD. Buổi ký kết diễn ra trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe.
A321neo được tích hợp động cơ mới nhất với cải tiến khí động học và cabin, đồng thời giúp giảm 15% tiêu thụ nhiên liệu tính trên mỗi ghế từ ngày đầu khai thác và con số này lên đến 20% vào năm 2020.
Tháng 2/2019, tại Hà Nội, Vietjet và Boeing đã ký kết hợp đồng mua 100 tàu bay 737 MAX mới trị giá 12,7 tỷ USD, nâng tổng đơn hàng cho loại máy bay này lên 200 chiếc. Sự kiện ký kết diễn ra trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên tại Hà Nội.
Bên cạnh thoả thuận mua bán máy bay, Boeing sẽ hợp tác với Vietjet để hỗ trợ hãng cũng như ngành hàng không Việt Nam tăng cường chuyên môn kỹ thuật, đào tạo phi công và kỹ thuật viên cũng như cải thiện khả năng quản lý.
Cùng ngày, Vietjet và tập đoàn General Electric (Hoa kỳ) cũng đã ký kết thoả thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ LEAP-1B trị giá 5,3 tỷ USD theo giá công bố của nhà sản xuất. Thoả thuận bao gồm cung cấp động cơ dự phòng và gói dịch vụ nhằm trang bị cho các đơn hàng máy bay mới và hiện đại mà hãng đã đặt hàng. Như vậy, tổng giá trị các hợp đồng được ký kết dịp này giữa Vietjet và các tập đoàn doanh nghiệp Hoa kỳ lên tới 18 tỷ USD.
Ba tháng đầu năm 2024, Vietjet lãi sau thuế gần 540 tỷ đồng, gấp 3 lần quý I/2023. Với hãng bay chi phí thấp này, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay.
Trong cùng khoảng thời gian này, Vietjet mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140. Hãng liên tiếp công bố và khai trương các đường bay quốc tế mới gồm: Phú Quốc - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), TP HCM - Thành Đô, Tây An (Trung Quốc), TP HCM - Viêng Chăn (Lào) và các đường bay từ Hà Nội đến Hiroshima (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Australia).
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 85.828 tỷ đồng, chỉ số nợ vay - vốn chủ sở hữu 1,9 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không. Vốn chủ sở hữu 16.051 tỷ đồng bao gồm 9.786 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/3.
Dựa trên dự báo về sự hồi phục của thị trường, Vietjet đặt ra kế hoạch 2024 với doanh thu hợp nhất 65.566 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.081 tỷ đồng, tăng tương ứng 10% và 78% so với năm trước.