Bài viết sau có nội dung về công tác sắp xếp, kiện toàn 108 tổ chức phối hợp liên ngành được quy định trong Công văn 7749/VPCP-TCCV năm 2024.
Hướng dẫn công tác sắp xếp, kiện toàn 108 tổ chức phối hợp liên ngành (Hình từ Internet)
Ngày 22/10/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 7749/VPCP-TCCV rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành.
Theo đó, trong thời gian qua, các tổ chức phối hợp liên ngành được thành lập đã cơ bản giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành. Đồng thời góp phần quan trọng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung, trực tiếp đối với các lĩnh vực còn có sự giao thoa, vượt quá thẩm quyền của một Bộ, ngành; những lĩnh vực cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư quan trọng, cấp bách, các chương trình, công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức phối hợp liên ngành hoạt động chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; chưa đáp ứng tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định và vẫn tăng về số lượng.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức và hoạt động các tổ chức phối hợp liên ngành, trên cơ sở đề nghị của Bộ Nội vụ (Công văn 2943/BNV-TCBC năm 2024), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ được quy định cụ thể tại Công văn 7749/VPCP-TCCV năm 2024 như sau:
(1) Đối với các tổ chức phối hợp liên ngành đề xuất duy trì hoạt động:
Thời gian qua, 108 tổ chức phối hợp liên ngành đề xuất duy trì hoạt động đã cơ bản bảo đảm được vai trò giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành và thực sự cần thiết phải có sự tập trung chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan thường trực của 108 tổ chức phối hợp liên ngành đề xuất duy trì hoạt động (tại Phụ lục số 01 kèm theo), khẩn trương rà soát Quyết định thành lập, Quy chế tổ chức, hoạt động và đề xuất việc kiện toàn về nhiệm vụ, quyền hạn, thành viên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2024.
(2) Đối với các tổ chức phối hợp liên ngành đề xuất giải thể:
Đối với các tổ chức đã hoàn thành nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động, việc giải thể các tổ chức này là cần thiết, để không ảnh hưởng đến mục tiêu chung và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Các Bộ: Công an, Ngoại giao, Y tế, Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ thực hiện trình tự, thủ tục giải thể theo quy định đối với 23 tổ chức phối hợp liên ngành (tại Phụ lục số 02 kèm theo); báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/11/2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ, cơ quan biết, thực hiện
Các trường hợp thành lập tổ chức phối hợp liên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ được quy định cụ thể tại Điều 5 Quyết định 23/2023/QĐ-TTg bao gồm:
- Khi giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, huy động nguồn lực lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, những công việc liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ cần thiết phải có sự tập trung chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.
- Khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng giải quyết của một bộ, cơ quan ngang bộ, cần tập trung giải quyết trong thời gian nhất định.
Xem thêm Công văn 7749/VPCP-TCCV ban hành ngày 22/10/2024.