Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bổ sung năm 2024.
Hướng dẫn đăng ký xét tuyển đại học bổ sung năm 2024 (Hình từ internet)
Theo Điều 22 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học vào các ngành, chương trình đào tạo, hội đồng tuyển sinh của cơ sở đào tạo xem xét, quyết định xét tuyển các đợt bổ sung.
Cơ sở đào tạo công bố kế hoạch xét tuyển, phương thức xét tuyển và hình thức đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung; điều kiện xét tuyển đối với các ngành, chương trình đào tạo theo từng phương thức xét tuyển nhưng không thấp hơn điều kiện trúng tuyển đợt trước.
Theo đó, thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào bất cứ nơi nào có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, Công văn 1957/BGDĐT-GDĐH năm 2024 nêu rõ, từ ngày 28/8/2024 đến tháng 12/2024, thí sinh có nhu cầu xét tuyển đại học các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo, thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo (nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung).
Đồng thời, thí sinh nộp minh chứng xét tuyển tại cơ sở đào tạo (theo hướng dẫn về thời gian, địa điểm của cơ sở đào tạo). Thí sinh xét tuyển có môn năng khiếu, sử dụng điểm năng khiếu của cơ sở đào tạo khác để xét tuyển, phải liên hệ với cơ sở đào tạo để đăng ký dự thi, đến thi, hoặc nộp điểm thi năng khiếu.
Lưu ý: Thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Như vậy, theo quy định nêu trên, từ ngày 28/8/2024 đến tháng 12/2024, thí sinh có nhu cầu xét tuyển đại học bổ sung thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung theo hình thức đăng ký mà cơ sở đào tạo đã công bố trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Thông thường có 3 hình thức nộp hồ sơ xét tuyển đại học bổ sung gồm:
- Nộp hồ sơ trực tuyến;
- Nộp về phòng tuyển sinh của trường theo đường bưu điện;
- Nộp trực tiếp tại văn phòng tuyển sinh của nhà trường.
Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bổ sung có trách nhiệm như sau:
- Tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo hay phương thức tuyển sinh mà không đủ điều kiện;
- Cung cấp đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả thông tin đăng ký dự tuyển, bao gồm cả thông tin cá nhân, thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có), nguyện vọng đăng ký; tính xác thực của các giấy tờ minh chứng;
- Đồng ý để cơ sở đào tạo mà mình dự tuyển được quyền sử dụng thông tin, dữ liệu cần thiết phục vụ cho công tác xét tuyển;
- Hoàn thành thanh toán lệ phí tuyển sinh trước khi kết thúc thủ tục đăng ký dự tuyển.
(Khoản 1 Điều 23 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT)
Thí sinh đã có giấy báo trúng tuyển được bảo lưu kết quả trúng tuyển trong những trường hợp sau:
- Đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung ngay trong năm trúng tuyển theo quyết định hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền;
- Bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn nghiêm trọng không thể nhập học đúng hạn, có hồ sơ y tế và xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Lưu ý: Thí sinh thuộc diện nêu trên phải gửi đơn xin bảo lưu kèm theo giấy tờ minh chứng tới cơ sở đào tạo gọi nhập học. Thời gian tối đa được bảo lưu kết quả do cơ sở đào tạo quy định, nhưng không ít hơn 3 năm đối với người đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung.
Ngay sau khi đủ điều kiện đi học trở lại, người được bảo lưu kết quả trúng tuyển phải thực hiện các thủ tục nhập học theo quy định của cơ sở đào tạo, trong đó phải cung cấp minh chứng đã hoàn thành nhiệm vụ hoặc đã được điều trị hồi phục. Đối với trường hợp nêu trên có thời gian bảo lưu từ 3 năm trở lên, cơ sở đào tạo xem xét giới thiệu vào các trường, lớp dự bị đại học để ôn tập trước khi vào học chính thức.
(Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT)