Dưới đây là thông báo hướng dẫn phân luồng giao thông tại các vị trí bị ngập trên tuyến Quốc Oai, Hoài Đức, TP Hà Nội.
Hướng dẫn phân luồng giao thông tại các vị trí bị ngập trên tuyến Quốc Oai, Hoài Đức, TP Hà Nội (Hình từ internet)
Ngày 09/9/2024, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội ban hành Thông báo 952/TB-SGTVT về việc hướng dẫn phân luồng tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí bị ngập úng sau cơn bão số 3 trên tuyến đường thuộc địa bàn huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Thành phố Hà Nội.
Thông báo 952/TB-SGTVT |
Theo đó, căn cứ tình hình úng ngập tại một số điểm trên địa bàn Thành phố, Sở Giao thông vận tải thông báo phương án phân luồng tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí bị ngập úng như sau:
- Trên địa bàn Huyện Quốc Oai:
Các vị trí ngập, không đảm bảo giao thông an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường 421B (81 cũ): tại Km16+00 và Km6+700, Cầu 72II đường 423 (72 cũ) ngập 40cm. Các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua khu vực trên lưu thông theo hướng:
+ Tại Km6+700 ĐT.421B (huyện Quốc Oai): Di chuyển qua Thạch Thán -> Cầu Văn Quang -> Nghĩa Hương -> Đến ngã ba rẽ trái đi Hà Nội và rẽ phải đi Xuân Mai, các phương tiện di chuyển từ Xuân Mai -> Quốc Oai -> Đại Lộ Thăng Long.
+ Tại Km16+00 ĐT.421B (huyện Quốc Oai): Di chuyển theo hướng Xuân Mai đi theo QL.6 -> đường mòn Hồ Chí Minh -> đường Đại Lộ Thăng Long -> Quốc Oai.
- Trên địa bàn Huyện Hoài Đức:
- Cầu 72II đường 423 (72 cũ): Các phương tiện đi trên đường 423 (72cũ) qua cầu 72II sang Hoài Đức, Hà Đông khi đến km9+200 rẽ đi đường 419 đi Chúc Sơn hoặc đi Đại lộ Thăng Long; Các phương tiện từ Hà Đông, Hoài Đức qua cầu 72II đi Quốc Oai đến km 8+100 đường 423 (bưu điện xã Vân Côn) rẽ phải ra ĐLTL đi Quốc Oai.
- Trên Đại lộ Thăng Long: Các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua khu vực hầm chui số 19: đi qua khu vực hầm chui lân cận (số 18 và số 20).
* Thời gian thực hiện: từ ngày 09/09/2024.
Theo Công điện 86/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ, trong đó:
- Bảo đảm an toàn khu vực ven biển và trên đất liền:
+ Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển.
+ Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
+ Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.
- Bảo đảm an toàn khu vực miền núi:
+ Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
+ Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
+ Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
+ Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Xem thêm nội dung tại Công điện 86/CĐ-TTg ngày 05/9/2024.