Nội dung bài viết trình bày về việc chỉ đạo phối hợp xem xét, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TPHCM.
Hướng dẫn phối hợp xem xét, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TPHCM (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 15/8/2024, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389/TP đã ban hành Quyết định 3215/QĐ-BCĐ389TP về quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự 2017) thì buôn lậu là hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý.
Quy chế |
Cụ thể, tại Điều 12 Quy chế ban hành kèm Quyết định 3215/QĐ-BCĐ389 ngày 15/8/2024 hướng dẫn phối hợp xem xét, xử lý các vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
* Về nguyên tắc: việc xử lý vi phạm phát hiện được trên địa bàn, thuộc lĩnh vực quản lý thì đơn vị, sở, ngành thụ lý đầu tiên hoặc đơn vị, sở, ngành chủ trì, chủ động xem xét, xử lý hoặc đề xuất theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định.
* Trong quá trình thanh, kiểm tra:
- Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân được thanh, kiểm tra có những vi phạm ngoài chức năng xử lý của mình, đơn vị, sở, ngành thụ lý đầu tiên hoặc chủ trì thanh, kiểm tra nếu xét thấy cần thiết, được quyền yêu cầu đơn vị, sở, ngành có chức năng xử lý, cùng phối hợp thanh, kiểm tra. Sau khi kết thúc vụ việc, hồ sơ được bàn giao lại cho đơn vị, sở, ngành có chức năng xem xét, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
- Đơn vị, sở, ngành tiếp nhận hồ sơ để xử lý, có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đơn vị, sở, ngành bàn giao về nội dung, hình thức xử lý, đối với vụ việc đã tiếp nhận trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra Quyết định xử lý vi phạm. Mỗi bên có trách nhiệm giữ bí mật tài liệu, nghiệp vụ, hồ sơ vụ việc đã được cung cấp và lưu trữ theo quy định.
* Những vụ việc có sự phối hợp thanh, kiểm tra liên ngành:
- Các bên phối hợp cùng trao đổi để thống nhất chủ trương, hình thức xử lý (thể hiện bằng biên bản), đơn vị, sở, ngành chủ trì việc thanh, kiểm tra sẽ ra quyết định hoặc trình cấp trên ra quyết định xử lý theo thẩm quyền.
- Trong trường hợp có ý kiến khác nhau về chủ trương, hình thức xử lý, thì đơn vị, sở, ngành chủ trì việc thanh, kiểm tra có văn bản xin ý kiến cấp trên để có biện pháp thống nhất giải quyết.
* Xử lý vi phạm có dấu hiệu tội phạm:
- Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì đơn vị, sở, ngành thụ lý đầu tiên hoặc đơn vị, sở, ngành chủ trì thanh, kiểm tra phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra cùng cấp để xử lý theo thẩm quyền.
- Trong quá trình thụ lý, nếu xét thấy không đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì đơn vị, sở, ngành điều tra phải chuyển trả lại hồ sơ cho đơn vị, sở, ngành thụ lý đầu tiên hoặc đơn vị, sở, ngành chủ trì thanh, kiểm tra để xử lý hành chính theo thẩm quyền.
- Các đơn vị, sở, ngành và lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin lẫn nhau về dự báo thị trường; về công tác quản lý thị trường trong ngành và trên địa bàn; về tình hình buôn lậu và kinh doanh trái phép; kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của đơn vị mình trong từng thời điểm.
- Từng đơn vị, sở, ngành, lực lượng chức năng cung cấp số điện thoại về đường dây nóng hoặc số điện thoại phối hợp của cơ quan mình cho các cơ quan có liên quan. Tổ chức nhân sự thực hiện nhằm đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, chính xác, chỉ đạo và giải quyết kịp thời khi có yêu cầu của các đơn vị, sở, ngành, lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân các cấp.
(Theo Điều 11 Quy chế ban hành kèm Quyết định 3215/QĐ-BCĐ389TP ngày 15/8/2024)
Xem thêm Quyết định 3215/QĐ-BCĐ389 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2024.