Tạm dừng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn là nội dung được quy định trong Nghị định 80/2024/NĐ-CP.
Hướng dẫn tạm dừng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (Hình từ Internet)
Ngày 03/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 80/2024/NĐ-CP thì việc tạm dừng, chấm dứt, khôi phục tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn như sau:
(1) Tạm dừng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp
- Tạm dừng việc tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền, Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trong các trường hợp:
+ Dừng thị trường điện theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành;
+ Một trong các hợp đồng của cơ chế mua bán điện trực tiếp bị tạm dừng hoặc hết hiệu lực, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các bên liên quan;
+ Có hành vi lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi; Khách hàng đã tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp có sản lượng tiêu thụ điện bình quân (tính trung bình 12 tháng liên tục) nhỏ hơn 200.000kWh/tháng.
- Thanh toán trong trường hợp tạm dừng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp của Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền, Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo:
+ Khách hàng sử dụng điện lớn mua điện thanh toán theo biểu giá bán lẻ điện theo quy định do Bộ Công Thương ban hành;
+ Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua điện từ Tổng công ty Điện lực theo biểu giá điện hiện hành;
+ Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị được ủy quyền), đàm phán thống nhất về giá phát điện trong khung giá phát điện năng lượng tái tạo do Bộ Công Thương ban hành hoặc các cơ chế giá điện hiện hành khác.
(2) Chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp
- Các bên chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp khi có một trong các trường hợp sau:
+ Tự nguyện chấm dứt theo yêu cầu của các bên tham gia;
+ Có hành vi lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi và hậu quả gây ra không thể khắc phục;
- Trường hợp chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, các Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, Khách hàng sử dụng điện lớn, Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền, Tổng công ty Điện lực có trách nhiệm đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định hiện hành.
(3) Khôi phục tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp
- Các bên khôi phục tham gia cơ chế khi có một trong các trường hợp sau:
+ Khi các hành vi vi phạm đã được khắc phục và được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
+ Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định việc tiếp tục vận hành thị trường điện;
- Trường hợp khôi phục, các đơn vị có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các thỏa thuận tại các hợp đồng mua bán điện đã ký kết.
(4) Thẩm quyền trong việc tạm dừng, chấm dứt, khôi phục tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tạm dừng và khôi phục việc tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp của Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền, Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Đơn vị vận hành hệ thống điện hoặc các cơ quan, tổ chức liên quan khác;
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp của Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền, Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan (nếu có).
Xem thêm Nghị định 80/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 03/7/2024.
Võ Tấn Đại