Bài viết sau có nội dung về việc tính kết quả bầu cử trong Đảng được quy định trong Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024.
Hướng dẫn tính kết quả bầu cử trong Đảng theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024 (Hình từ Internet)
Ngày 10/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định 190-QĐ/TW về Quy chế bầu cử trong Đảng.
Theo quy định tại Điều 30 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024 thì việc tính kết quả bầu cử trong Đảng được thực hiện như sau:
- Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ; phiếu hợp lệ là phiếu được quy định tại Điều 15 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024. Trường hợp phiếu bầu nhiều người mà không có số dư, người bầu cử đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý hoặc không đánh dấu X vào cả hai ô đồng ý, không đồng ý tương ứng với họ và tên người nào thì không tính vào kết quả bầu cử của người đó (phiếu đó vẫn được tính là phiếu hợp lệ).
- Đối với đại hội đảng viên: Người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ được triệu tập trừ số đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt tạm thời ở đảng bộ khác, đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng không có mặt ở đại hội (nếu đảng viên đó có mặt ở đại hội, hội nghị đảng viên, tham gia bầu cử; biểu quyết thì vẫn tính), số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị khởi tố, truy tố, tạm giam, đảng viên chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội có lý do chính đáng được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý.
- Đối với đại hội đại biểu: Người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu chính thức được triệu tập trừ số cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội, đại biểu chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội không có đại biểu dự khuyết thay thế.
- Ở hội nghị cấp ủy để bầu ban thường vụ, bí thư; phó bí thư; ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số cấp ủy viên trừ số thành viên đã chuyển sinh hoạt đảng tạm thời không có mặt tại hội nghị, số thành viên đang bị đình chỉ sinh hoạt, bị khởi tố, truy tố, tạm giam.
- Trường hợp số người đạt số phiếu bầu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu cao hơn lấy từ trên xuống cho đến khi đủ số lượng cần bầu.
- Nếu cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu, thì chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch đại hội (hội nghị) lập danh sách nhưng người ngang phiếu nhau đó để đại hội (hội nghị) bầu lại và lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu tiếp hay không do đại hội (hội nghị) quyết định.
Thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, vi phạm Quy chế bầu cử trong Đảng được quy định cụ thể tại Điều 33 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định 190-QĐ/TW năm 2024 như sau:
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày bế mạc đại hội (hội nghị), nếu có đơn, thư khiếu nại về bầu cử, thì Ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh, kiểm tra lại và báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét, quyết định.
- Nếu phát hiện thấy có sự vi phạm nguyên tắc, thủ tục bầu cử thì cấp ủy cấp trên có quyền bãi bỏ kết quả bầu cử của đại hội hoặc của hội nghị cấp ủy cấp dưới, chỉ đạo đại hội (hội nghị) tiến hành bầu cử lại; trường hợp cá nhân, đã được bầu vào cấp ủy hoặc Ủy ban kiểm tra cấp dưới nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, cấp ủy cấp trên có quyền không chuẩn y công nhận cấp ủy viên hoặc ủy viên ủy ban kiểm tra cấp đó.
Xem thêm Quyết định 190-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 10/10/2024.