Việc xác định diện tích đất ở khi công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy định dưới đây.
Hướng dẫn xác định diện tích đất ở khi công nhận quyền sử dụng đất tại Hà Nội (Hình từ Internet)
Theo Điều 11 Quyết định 61/2024/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, từ 07/10/2024, việc xác định diện tích đất ở khi công nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện như sau:
(1) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 137 Luật Đất đai mà trên giấy tờ đó có thể hiện mục đích sử dụng để làm nhà ở, đất ở hoặc thổ cư thì diện tích đất ở được xác định khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
- Trường hợp thửa đất được hình thành trước ngày 18/12/1980, hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 1 Điều 141 Luật Đất đai được xác định bằng 05 lần hạn mức giao đất ở tối đa quy định tại Điều 13 Quy định này (nhưng không vượt quá diện tích thửa đất).
- Trường hợp thửa đất được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 2 Điều 141 Luật Đất đai được xác định như sau:
+ Các quận nội thành: 120 m²;
+ Các phường thuộc thị xã Sơn Tây và thị trấn: 180 m²;
+ Các xã vùng đồng bằng: 300 m²;
+ Các xã vùng trung du: 400 m²;
+ Các xã vùng miền núi: 500 m².
(2) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 137 của Luật Đất đai mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, thì diện tích đất ở được xác định khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất ổn định trước ngày 15/10/1993 thì diện tích đất ở được xác định khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bằng hạn mức công nhận đất ở quy định mục (1).
- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014 thì diện tích đất ở được xác định khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bằng hạn mức giao đất ở xác định theo mức tối đa quy định tại Điều 13 Quy định về hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị và nông thôn.
(3) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền và trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014, thì diện tích đất ở được xác định khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
- Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 thì xác định theo hạn mức công nhận đất ở tại mục thứ hai của mục (1).
- Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 thì xác định theo hạn mức giao đất ở mức tối đa quy định tại Điều 13 Quy định về hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị và nông thôn.
- Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014 thì xác định theo hạn mức giao đất ở mức tối thiểu quy định tại Điều 13 Quy định về hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị và nông thôn.
>> Xem thêm: Hạn mức giao đất ở cho cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội
Theo Phụ lục kèm theo Quyết định 61/2024/QĐ-UBND, phân loại xã để làm căn cứ xác định hạn mức công nhận đất ở đối với từng vùng được quy định như sau: 1. Huyện Ba Vì - Các xã vùng miền núi: Ba Trại, Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài; - Các xã vùng trung du: Cẩm Lĩnh, Phú Sơn, Sơn Đà, Thuần Mỹ, Thụy An, Tiên Phong, Tòng Bạt, Vật Lại; - Các xã vùng đồng bằng: các xã còn lại. 2. Huyện Mỹ Đức - Các xã vùng miền núi: An Phú; - Các xã vùng đồng bằng: các xã còn lại. 3. Huyện Quốc Oai - Các xã vùng miền núi: Phú Mãn, Đông Xuân; - Các xã vùng trung du: Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Cát; - Các xã vùng đồng bằng: các xã còn lại. 4. Huyện Sóc Sơn - Các xã vùng trung du: Nam Sơn, Bắc Sơn, Minh Trí, Minh Phú, Hồng Kỳ; - Các xã vùng đồng bằng: các xã còn lại. 5. Thị xã Sơn Tây Các xã vùng trung du: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn. 6. Huyện Thạch Thất - Các xã vùng miền núi: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân; - Các xã vùng trung du: Cần Kiệm, Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Đồng Trúc, Thạch Hòa, Lại Thượng, Cẩm Yên; - Các xã vùng đồng bằng: các xã còn lại. 7. Các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa: tất cả các xã thuộc vùng đồng bằng. |