Bài viết sau có nội dung về xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức trong hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định trong Quyết định 2477/QĐ-BKHCN năm 2024.
Hướng dẫn xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức trong hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ (Hình từ Internet)
Ngày 2/9/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 2477/QĐ-BKHCN về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo quy định tại Điều 20 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2477/QĐ-BKHCN năm 2024 thì việc xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của cán bộ, công chức trong hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ được thực hiện như sau:
- Thông qua việc kiểm tra, giám sát trực tiếp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia nhận xét, góp ý kiến về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, ban lãnh đạo, người quản lý, phụ trách trực tiếp, những người có thẩm quyền khác tại cơ quan, đơn vị; tích cực tham gia ý kiến góp phần xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
- Khi phát hiện hành vi, nội dung có dấu hiệu vi phạm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hoặc kiến nghị, phản ánh đến người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đến tổ chức Công đoàn hoặc các tổ chức đoàn thể khác mà mình là thành viên được thành lập và hoạt động ở cơ quan, đơn vị hoặc phản ánh, đề nghị Ban Thanh tra nhân dân xem xét, thực hiện kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ.
- Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị thay mặt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát theo quy định tại Tiểu mục 2 của Mục 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2477/QĐ-BKHCN năm 2024.
Ngoài ra, hình thức cán bộ, công chức kiểm tra, giám sát trong hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ được quy định cụ thể tại Điều 19 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2477/QĐ-BKHCN năm 2024 như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua:
+ Hoạt động học tập, công tác, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị.
+ Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người có chức vụ, quyền hạn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác trong cơ quan, đơn vị.
+ Tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của cơ quan, đơn vị hoặc người được giao quản lý, thực hiện các nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã bàn và quyết định.
+ Tham dự hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019) thì cán bộ, công chức là:
- Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Xem thêm Quyết định 2477/QĐ-BKHCN có hiệu lực từ 26/9/2024.