Bài viết sau có nội dung về việc xử lý kỷ luật đối với luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ được quy định trong Thông tư 02/2019/TT-BTP.
Hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 02/2019/TT-BTP thì việc xử lý kỷ luật đối với luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư được thực hiện như sau:
- Luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật
+ Khiển trách;
+ Cảnh cáo;
+ Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai tư tháng.
Ngoài việc chấp hành hình thức kỷ luật, luật sư có trách nhiệm thực hiện bù nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng của năm đó vào năm kế tiếp.
- Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định cụ thể về hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng và hình thức xử lý kỷ luật tương ứng.
- Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, quyết định kỷ luật luật sư theo quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Ngoài ra, việc khiếu nại quyết định kỷ luật luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư 02/2019/TT-BTP như sau:
- Luật sư có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật về việc vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng.
- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 86 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) và pháp luật có liên quan.
+ Luật sư có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đối với mình.
Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.
+ Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam đối với hình thức kỷ luật quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 85 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012), luật sư có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Việc xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư bất hợp pháp được quy định cụ thể tại Điều 92 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) như sau:
- Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.