Bà Nguyễn Thanh Diệu (TPHCM) đang làm kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp, thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Năm 2023, hoạt động sản xuất dịch vụ của đơn vị bà Diệu bị lỗ (thâm hụt) 500 triệu đồng, số dư bên nợ trên Tài khoản 421 là 500 triệu đồng.
Năm 2024, đơn vị muốn xử lý thâm hụt (lỗ) của năm 2023 từ nguồn quỹ của đơn vị được trích lập từ thặng dư (lãi) của các năm trước còn lại chuyển sang thì hạch toán: Nợ 431/Có 421: 500 triệu đồng (trong chế độ kế toán không thấy hướng dẫn), tại 3.6 xử lý thặng dư (thâm hụt) theo cơ chế tài chính hiện hành, ghi: Nợ 421/Có 431.
Bà Diệu hỏi, theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC cách xử lý thâm hụt như trên đúng không?
Về vấn đề này, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Đối với các nghiệp vụ cụ thể phát sinh, ngoài các bút toán quy định cụ thể tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC, đơn vị cần căn cứ nguyên tắc kế toán, kết cấu tài khoản tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC để xác định bút toán hạch toán phù hợp với cơ chế tài chính và hoạt động của đơn vị.
Theo nội dung câu hỏi, đơn vị của bà là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, áp dụng cơ chế tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC.
Về việc xử lý thâm hụt, trích lập, sử dụng các quỹ, đơn vị phải căn cứ theo quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Thông tư số 56/2022/TT-BTC và hướng dẫn có liên quan.
Tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC đã hướng dẫn rõ nguyên tắc và kết cấu các tài khoản kế toán (Tài khoản 421, 431,...) để xác định bút toán hạch toán trong các trường hợp xử lý thâm hụt và trường hợp sử dụng quỹ theo cơ chế tài chính.
Chinhphu.vn