Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường và chôn cất tử thi trong khi ngập lụt.
Nội dung đề cập tại Tài liệu Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường bão lụt 2024 của Cục Quản lý môi trường y tế.
Nội dung hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường trong khi ngập lụt bao gồm:
Đối với các lán trại cho nhân dân sơ tán tránh bão lụt, nên đào các rãnh có chiều rộng 1m; chiều dài 1,5m; sâu 2m. Rác được đổ vào rãnh, hàng ngày rắc một lớp đất lên mặt rác. Một hố như vậy có thể dùng cho 200 người trong một tuần rồi lấp bằng một lớp đất dày 40cm lèn chặt.
Nếu có điều kiện có thể cung cấp các thùng đựng rác thể tích từ 50 đến 100 lít cho 12 - 25 người dùng tại các khu vượt lũ. Khi đầy thùng phải mang đi chôn hoặc đốt.
Hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường và chôn cất tử thi trong khi ngập lụt (Hình từ internet)
Trong khi ngập lụt, gia súc và gia cầm phải được quản lý chặt chẽ, không thả rông gia súc, gia cầm để tránh làm ô nhiễm môi trường. Làm vệ sinh chuồng trại và tẩy uế hàng ngày bằng các loại hoá chất khử khuẩn thông thường như: vôi bột, Chloramin B.
Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh phải cách li hoặc đem tiêu huỷ (chôn hoặc đốt) đúng theo quy định.
Lưu ý: Trước khi chôn xác súc vật chết hoặc bị bệnh cần xử lý bằng vôi bột hoặc hoá chất sát trùng, tốt nhất là bao gói kín bằng vật liệu không thấm nước và chôn ở nơi đất cao, xa nguồn nước và khu dân cư. Đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8 m, đổ 2 - 3 kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hoá chất khử khuẩn, tẩy uế rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới.
Trường hợp phải chôn ở nơi có nguy cơ ngập nước thì phải lèn chặt bằng đất đá không để xác súc vật nổi lên.
Những nơi có điều kiện có thể thiêu huỷ xác động vật chết.
Đối với các hộ gia đình, cần tận dụng những chỗ đất cao, chưa bị ngập, đào những hố nhỏ mỗi chiều 0,5m để làm hố tiêu tạm thời. Những hố tiêu này nên làm cách xa nhà ở và nguồn nước để hạn chế sự phát tán mầm bệnh.
Khi có sơ tán dân cư đến các nơi vượt lũ, sống trong các lều, trại dựng tạm thì tận dụng những chỗ đất cao, chưa bị ngập, tùy theo khả năng có thể đào các hố tiêu theo các kiểu sau:
- Hố tiêu nông cho 100 người dùng: bề rộng 30 cm hoặc hẹp hơn; chiều dài 300 - 350 cm; chiều sâu 90- 150 cm.
- Hố tiêu sâu cho 100 người sử dụng: bề rộng 75 - 90 cm; chiều dài 300 - 350 cm; chiều sâu 180 - 240 cm.
Những hố tiêu này nên làm cách xa nhà ở và nguồn nước trên 50 m để hạn chế sự phát tán mầm bệnh. Khi sử dụng xong dùng tro hoặc đất lấp lại, khi kết thúc sơ tán phải lấp kín và lèn chặt đất.
Nếu có điều kiện bố trí các nhà tiêu di động thì áp dụng tiêu chuẩn một chỗ ngồi cho 30 người, đặt cách xa lán trại 50 m.
Ở những nơi nước ngập cao mà không kịp sơ tán hoặc vì lý do nào đó mà phải ở lại nơi ngập lụt thì có thể xử lý tạm thời bằng cách dùng thùng, chậu, rổ... lót nilông, đổ tro, trấu hoặc đất vào, đi tiểu vào đó rồi treo phía ngoài nhà hoặc trên cây chờ khi nước rút đem đi chôn.
Tử thi phải được chôn ở các nghĩa trang.
Trong trường hợp nghĩa trang bị ngập nước, tử thi phải được chôn ở nơi đất cao đã được địa phương bố trí trước và phải được đánh dấu để dễ tìm lại.
Trường hợp tử thi có hiện tượng bốc mùi hoặc thối rữa thì phải xử lý bằng chế phẩm khử khuẩn và phải được bao gói kín tránh gây ô nhiễm môi trường.
Những nơi có hỏa táng thì nên chở đến nơi có lò hỏa táng càng sớm càng tốt.
>>Xem chi tiết TẠI ĐÂY