GĐXH – Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở giai đoạn tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh (45-69 tuổi). Sau mãn kinh, phụ nữ còn sống thêm 20-30 năm, tương đương một phần ba cuộc đời nhưng phải đối mặt với nhiều vấn đề gây suy giảm chất lượng cuộc sống.
Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hưởng ứng Ngày mãn kinh thế giới: "Liệu pháp nội tiết mãn kinh" do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức chiều 16/10 tại Hà Nội.
Sự kiện nhằm nhấn mạnh vai trò của ngành y tế và cộng đồng phụ nữ trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe ở tuổi mãn kinh.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở giai đoạn tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh (45-69 tuổi). Nếu tính cả phụ nữ bắt đầu bước vào độ tuổi suy giảm nội tiết tố (sau 35 tuổi) thì có khoảng 20 triệu người (chiếm khoảng 1/5 dân số) bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Vấn đề suy giảm nội tiết dẫn đến tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình sinh lý trong cuộc đời bất cứ người phụ nữ nào. Tuy nhiên, theo ông Đinh Anh Tuấn, nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm, đa số "cam chịu" giai đoạn này.
"Tuy tiền mãn kinh và mãn kinh là vấn đề sinh lý nhưng hậu quả để lại do suy giảm nội tiết đối với nhiều người lại là vấn đề bệnh lý. Tức là khi nội tiết của buồng trứng suy giảm sẽ kéo theo những hệ lụy khác như tim mạch, hệ thống xương khớp, loãng xương…", ông Tuấn nói.
Do đó, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho rằng, chị em phụ nữ cần có các biện pháp dự phòng từ sớm cho giai đoạn này. Nghĩa là không đợi cho đến khi bước vào tuổi mãn kinh mới lấp lại các khoảng trống, mà phải có ý thức bổ sung ngay các yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe của người phụ nữ và hạn chế tối đa những ảnh hưởng do suy giảm nội tiết gây ra.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Nguyên Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam cho biết, độ tuổi mãn kinh trung bình tại các nước phát triển là 51-52 tuổi. Tại Việt Nam, độ tuổi mãn kinh trung bình là 48-50 tuổi. Tuy nhiên sau 35 tuổi, số lượng nang noãn buồng trứng ở phụ nữ giảm, nội tiết bắt đầu thay đổi.
Theo bà Hồng, sau mãn kinh, phụ nữ còn sống thêm 20-30 năm, tương đương một phần ba cuộc đời, nhưng phải đối mặt với suy giảm chất lượng cuộc sống với nhiều triệu như bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, khô rát âm đạo, giảm ham muốn tình dục, đau xương khớp, loãng xương và các hậu quả lâu dài về tim mạch, suy giảm trí nhớ. Vì vậy, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là vấn đề cấp thiết.
Tại Hội thảo, TS.BS Trần Thị Thu Hạnh, Phó Khoa Phụ Nội tiết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, khi các rối loạn mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, phụ nữ cần chủ động tìm đến các chuyên gia y tế sản phụ khoa, chia sẻ và thảo luận về tình trạng của mình để tìm ra các giải pháp phù hợp. Đặc biệt "đừng chịu đựng mãn kinh trong im lặng".
Theo BS Hạnh, có nhiều giải pháp giúp cải thiện các rối loạn tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, trong đó liệu pháp nội tiết mãn kinh (MHT) đóng vai trò quan trọng, được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo là giải pháp đầu tay trong điều trị mãn kinh.
Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe sinh sản, năm 2024, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với các chuyên gia sản phụ khoa, các bệnh viện phụ sản được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến đang chỉnh sửa, cập nhật Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành năm 2016.
Trong đó, nội dung chăm sóc sức khỏe phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh được xây dựng thành một chương riêng, độc lập, đầy đủ nội dung hơn, thay thế cho Hướng dẫn Quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản phiên bản cũ – chỉ có duy nhất 1 nội dung tổng quan về mãn kinh.
Tùy theo từng cá thể, đặc điểm sinh lý, kinh tế xã hội, cũng như trình độ và lối sống, mà mỗi người phụ nữ sẽ có những biểu hiện rối loạn mãn kinh khác nhau. Do vậy, việc lựa chọn giải pháp nội tiết an toàn - cá thể hóa điều trị mãn kinh là vấn đề cần được các chuyên gia y tế và cộng đồng phụ nữ quan tâm.
Lợi ích từ việc sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh là làm giảm rõ rệt các triệu chứng tiền mãn kinh và giảm nguy cơ mắc bệnh lý thời kỳ mãn kinh như: cải thiện triệu chứng vận mạch (như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ, khó chịu); niệu dục (như khô teo âm đạo, ảnh hưởng đến đời sống tình dục); giảm loãng xương và gãy xương; giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch, đặc biệt là ở một số phụ nữ bắt đầu liệu pháp nội tiết mãn kinh gần với giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh.
Bên cạnh đó, để duy trì chất lượng cuộc sống vui khoẻ, phụ nữ mãn kinh cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng ăn uống lành mạnh, tập thể dục tăng cường sức khoẻ, giữ tinh thần khỏe mạnh cùng tâm thế lạc quan, tích cực, thăm khám sức khỏe định kỳ, tham khảo ý kiến bác sĩ về nhu cầu bổ sung nội tiết mãn kinh và thuốc điều trị.
Năm 2009, Hiệp hội Mãn kinh thế giới lựa chọn ngày 18/10 hàng năm là ngày Mãn kinh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của mãn kinh đến sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ.
Ngày Mãn kinh thế giới năm 2024 được tổ chức với chủ đề "Liệu pháp nội tiết mãn kinh", nhằm khuyến khích phụ nữ trên toàn cầu tiếp cận dễ dàng hơn với giải pháp điều trị này. Đây cũng là giải pháp được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo sử dụng đầu tay trong điều trị các rối loạn mãn kinh.