PLBĐ - Bộ Y tế Indonesia cho biết họ đang xác minh một số ca nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em của nước này.
Theo Straits Times, trong cuộc họp báo ngày 5/5, người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia - Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi cho biết những trường hợp mới được phát hiện sau khi các cơ quan y tế trên toàn quốc đưa cảnh báo về nhiều trẻ mắc loại bệnh bí ẩn liên quan vàng da. Bộ Y tế Indonesia đang xác minh nguyên nhân thông qua nhiều xét nghiệm. Các trẻ mắc bệnh đều dưới 16 tuổi.
Bà nói: "Đã có thêm nhiều trường hợp khác, nhưng chúng tôi cần xác minh thêm vì phải giải trình tự bộ gene nhằm chắc chắn những trẻ này không phải bị viêm gan siêu vi A, B, C, D, E".
Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Sulianti Saroso tại Thủ đô Jakarta cũng được chỉ định là nơi chuyên tiếp nhận và điều trị những trẻ mắc viêm gan bí ẩn trở nặng.
Trong tháng 4, ba trẻ em khác đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Cipto Mangunkusumo sau khi có biểu hiện vàng da, trước đó là các vấn đề tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy nặng.
Những triệu chứng này cũng đã được tìm thấy trong một số trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại nhiều nước khác như Anh, Mỹ.
Dựa trên các cuộc điều tra cho đến nay, cơ quan y tế Indonesia cho biết không thành viên nào trong gia đình của những trẻ tử vong vì viêm gan bí ẩn có tiền sử viêm gan, vàng da hay triệu chứng tương tự. Cả ba bệnh nhi này cũng có kết quả âm tính với COVIDQ-19, trong đó có hai em chưa được tiêm phòng viêm gan.
Bộ Y tế Indonesia vẫn đang tiến hành xét nghiệm virus, bao gồm cả adeno và virrus viêm gan E. Họ cho biết sẽ mất 10-14 ngày để có kết luận và xác định được nguyên nhân của các ca nhiễm, tử vong.
Cuối tuần qua, Singapore đã xác nhận một trường hợp viêm gan cấp tính ở một em bé 10 tháng tuổi và đang điều tra xem trường hợp này có biểu hiện giống với các trường hợp khác bị nhiễm bệnh viêm gan bí ẩn được báo cáo trên toàn thế giới hay không.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên toàn cầu, ít nhất một trẻ em khác đã chết vì viêm gan cấp tính và hơn một chục trẻ khác đã được ghép gan sau khi hết bệnh.
Cũng tại họp báo của Bộ Y tế Indonesia, bác sĩ nhi khoa Hanifah Oswari bác bỏ những suy đoán về việc bệnh viêm gan cấp tính là do trẻ em tiêm vaccine COVID-19. "Đây không phải sự thật. Không có bằng chứng nào cho thấy các ca mắc viêm gan cấp tính là do vaccine COVID-19 gây ra", ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng lưu ý một số trẻ nhiễm virus như COVID-19 hoặc adeno bị viêm gan cấp tính nhưng đó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông khuyến cáo cha mẹ nên cảnh giác nếu thấy bất kỳ vấn đề gì về tiêu hóa ở trẻ và phải đưa đến bệnh viện ngay.
Bệnh viêm gan cấp tính có khả năng lây lan qua các đường tiêu hóa và hô hấp, do đó, phụ huynh cần dạy con thói quen phòng dịch như vệ sinh sạch tay và đúng cách, đeo khẩu trang.
Nguyễn Đức Thượng (dịch)