Trước đó vào tháng 4, Israel cho biết đã tốn tới 1,5 tỷ USD trong một đêm để ngăn chặn 120 tên lửa đạn đạo từ Iran.
Đêm 1/10, Iran đã phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo tốc độ cao vào Israel. Iran đã sử dụng các loại tên lửa Emad và Ghadr, có khả năng di chuyển với tốc độ gấp 6 lần tốc độ âm thanh (khoảng 4.600 dặm/giờ), và mất 12 phút để bay từ Iran đến Israel. Iran cũng triển khai tên lửa siêu thanh Fatteh-2 với tốc độ lên đến 10.000 dặm/giờ.
Tốc độ cực nhanh của những tên lửa này khiến chúng rất khó bị đánh chặn. Tuy nhiên, các báo cáo ban đầu cho thấy không có thương vong lớn tại Israel, ngoại trừ một trường hợp tại Bờ Tây, dù một số vũ khí hoặc mảnh vỡ có vẻ đã rơi xuống đất.
Việc Iran phóng hàng loạt tên lửa trong thời gian ngắn là nhằm áp đảo hoặc làm suy yếu hệ thống phòng không của Israel. Mặc dù vậy, phần lớn đều bị hệ thống phòng không tinh vi của Israel ngăn chặn. Trong cuộc tấn công hồi tháng 4, Iran đã phóng 120 tên lửa đạn đạo, nhưng chỉ có chín tên lửa vượt qua phòng thủ và gây thiệt hại nhỏ cho hai căn cứ không quân. Cuộc tấn công lần này cũng cho thấy kết quả tương tự.
Người dân gần thành phố Arad ở phía nam Israel đứng xung quanh một phần tên lửa đạn đạo còn sót lại sau cuộc tấn công hôm 1/10
Trong nhiều thập kỷ, Israel đã phát triển hệ thống phòng không tinh vi, có khả năng phát hiện các hỏa lực bay tới và chỉ triển khai đánh chặn nếu mục tiêu hướng về các khu dân cư đông đúc hoặc cơ sở hạ tầng quân sự, dân sự nhạy cảm. Mặc dù hệ thống này không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhưng các nhà lãnh đạo Israel tin rằng nó có thể ngăn ngừa các thiệt hại nghiêm trọng và giảm số lượng thương vong đáng kể.
Theo Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel (IMDO), lớp dưới cùng trong hệ thống phòng không của Israel là Vòm Sắt (Iron Dome). Israel tuyên bố rằng tỷ lệ thành công của Iron Dome đạt trên 90%. Theo truyền thông Israel, mỗi lần đánh chặn của Vòm Sắt tiêu tốn khoảng 50.000 USD. Hệ thống này chủ yếu được sử dụng để đánh chặn tên lửa tầm ngắn. Quốc gia này cũng đang nghiên cứu phát triển một hệ thống mới bằng công nghệ laser với chi phí rẻ hơn, chỉ khoảng vài USD mỗi lần đánh chặn.
Lớp tiếp theo là David's Sling, được sử dụng để chống lại các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung. Chi phí cho mỗi tên lửa đánh chặn David’s Sling là 1 triệu USD.
Tiếp sau David’s Sling là các hệ thống Arrow 2 và Arrow 3. Hệ thống này hoạt động bên ngoài tầng khí quyển, được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm xa. Chi phí cho mỗi tên lửa đánh chặn Arrow vào khoảng 3,5 triệu USD.
Trong cuộc tấn công hồi tháng 4, Israel được cho là tốn hơn 1,5 tỷ USD tiền tên lửa phòng không và các thiết bị khác để đánh chặn tên lửa và UAV của Iran. Như vậy, trong lần tấn công này, việc đánh chặn hơn 180 tên lửa của Iran có thể khiến Israel phải tiêu tốn nhiều tiền hơn thế.