Kẻ tâm thần sát hại nữ công nhân môi trường tại Hà Nội sẽ đối diện mức án nào?

06/04/2021 11:01

PLBĐ - Vụ việc kẻ tâm thần dùng gạch tấn công nữ công nhân môi trường dẫn đến tử vong trên đường phố Hà Nội đang nhận được quan tâm của dư luận. Nhiều người thắc mắc với tiền sử tâm thần, đối tượng gây án sẽ phải chịu hình phạt nào?

Công an quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) đã phối hợp với Phòng CSHS Công an Hà Nội thực hiện lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp với Lê Như Toàn (SN 1991, trú tại Tam Điệp, Ninh Bình) để điều tra về hành vi "Giết người". Đối tượng được xác định đã dùng gạch đánh chết chị V.T.H. (SN 1978, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là nhân viên công ty môi trường trong đêm 4/4.

Qua điều tra ban đầu, Lê Như Toàn có tiền sử bệnh tâm thần. Vì vậy, nhiều người thắc mắc việc xử lý đối tượng này như thế nào?

Kẻ tâm thần sát hại nữ công nhân môi trường tại Hà Nội sẽ đối diện mức án nào?  - Ảnh 1.

Đối tượng Lê Như Toàn. (Ảnh: CACC)

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết, một trong những việc cơ quan điều tra cần ưu tiên làm là đưa Toàn đi giám định tâm thần. Nếu kết quả giám định cho thấy thời điểm thực hiện hành vi, Toàn đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, nghi phạm sẽ thuộc nhóm đối tượng "không có năng lực trách nhiệm hình sự" theo Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những người thuộc nhóm này sẽ được đưa vào cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh, theo quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự 2015.

Ngược lại, nếu Toàn được xác định đã khỏi bệnh và có thể làm chủ hành vi, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối tượng sẽ phải chịu hình phạt về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 với mức án cao nhất là tử hình.

Trường hợp Toàn bị bệnh nhưng không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, Toàn có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ "phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra" theo Khoản 1 Điều 51 bộ luật này. Ngoài ra, nghi phạm còn phải bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

Kẻ tâm thần sát hại nữ công nhân môi trường tại Hà Nội sẽ đối diện mức án nào?  - Ảnh 2.

Hiện trường vụ việc. (Ảnh: T.M)

Như đã đưa tin, vào khoảng 21h tối 4/4, Công an quận Cầu Giấy nhận được tin báo chị V.T.H. đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy hướng về đường Xuân Thủy thì bất ngờ bị một nam thanh niên (không rõ nhân thân, lai lịch) dùng gạch đập nhiều lần vào đầu. Hậu quả của việc bị tấn công bất ngờ là chị H. tử vong tại chỗ.

Tiếp nhận tin báo, Công an quận Cầu Giấy đã phối hợp cùng Phòng CSHS Công an Hà Nội, Công an phường Dịch Vọng tiến hành khám nghiệm hiện trường và tổ chức các hoạt động điều tra. Tại hiện trường, công an thu giữ 1 viên gạch hung thủ dùng để gây án. Nạn nhân được xác định tử vong do đa chấn thương vùng đầu. Tiến hành truy xét nóng, Công an Cầu Giấy xác định sau khi thực hiện hành vi giết người, đối tượng đã bỏ chạy về hướng đường Xuân Thủy.

Chỉ chưa đầy 1 giờ sau, lực lượng công an đã bắt giữ được hung thủ gây án khi đối tượng đang lẩn trốn trong khu đô thị làng quốc tế Thăng Long (Dịch Vọng, Cầu Giấy). Danh tính đối tượng được làm rõ là Lê Như Toàn (SN 1991, Tam Điệp, Ninh Bình). Toàn được xác định là người không nghề nghiệp, bản thân có tiền sử bệnh tâm thần.

Theo lời khai của đối tượng, khoảng 20h45 tối 4/4, khi đang đi bộ trên vỉa hè theo hướng từ đường Cầu Giấy về đường Xuân Thủy thì nảy sinh ý định giết người. Đối tượng đã nhặt 1 viên lát vỉa hè trên đường và đi lại gần phía sau chị V.T.H. đang đẩy xe chở rác.

Đối tượng Toàn dùng hai tay cầm viên gạch bất ngờ đập mạnh từ phía sau vào đầu chị H. khiến nạn nhân ngã gục úp mặt xuống đường. Sau đó, Toàn tiếp tục đập liên tiếp vào vùng đầu cho đến khi chị H. nằm bất động rồi bỏ chạy về đường Xuân Thủy.

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh

1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

...

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 2 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

...

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kẻ tâm thần sát hại nữ công nhân môi trường tại Hà Nội sẽ đối diện mức án nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO