Khi nào thực hiện định giá tài sản trong hình sự?

02/10/2024 12:15

Nội dung bài viết giải đáp cho việc khi nào thì thực hiện định giá tài sản theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó là quy định pháp luật liên quan về thủ tục tố tụng hình sự.

Khi nào thực hiện định giá tài sản trong hình sự?

Khi nào thực hiện định giá tài sản trong hình sự? (Hình ảnh từ Internet)

1. Khi nào thực hiện định giá tài sản trong hình sự?

Theo Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc định giá tài sản như sau:

- Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện.

- Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai. Việc định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản có thẩm quyền thực hiện. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.

2. Thủ tục thực hiện định giá tài sản trong hình sự mới nhất

Tại Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 97/2019/NĐ-CP) quy định thủ tục thực hiện định giá tài sản như sau:

- Định giá lại trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận trên.

- Định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá được thực hiện khi đồng thời thỏa mãn đủ các điều kiện sau:

+ Kết luận định giá lại khác với kết luận định giá lần đầu khi việc định giá lần đầu và định giá lại đều tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá quy định tại Nghị định 30/2018/NĐ-CP; áp dụng đúng thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá và nội dung yêu cầu định giá;

+ Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp tục có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận định giá lại.

- Việc định giá lại quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP do Hội đồng định giá cấp trên thực hiện:

+ Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp huyện định giá lần đầu;

+ Hội đồng định giá cấp bộ định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lần đầu;

+ Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp bộ định giá lần đầu. Kết luận định giá của Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là kết luận cuối cùng về giá trị của tài sản cần định giá.

- Việc định giá lại lần thứ hai quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP do Hội đồng định giá cùng cấp với Hội đồng định giá được thành lập để định giá lại quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP thực hiện:

+ Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp huyện và kết luận định giá lại của Hội đồng định giá cấp tỉnh.

+ Hội đồng định giá cấp bộ định giá lại lần thứ hai trong trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định giá lần đầu của Hội đồng định giá cấp tỉnh và kết luận định giá lại của Hội đồng định giá cấp bộ

- Các trường hợp sau đây không thuộc trường hợp định giá lại tài sản theo quy định tại Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP:

+ Hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục định giá hoặc chưa có kết luận về giá của tài sản cần định giá; hoặc thành viên Hội đồng thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản;

+ Có sự thay đổi về thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá, thay đổi về nội dung yêu cầu định giá khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Việc định giá tài sản đối với những trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 5 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP được thực hiện như trường hợp định giá lần đầu.

- Việc định giá lại tài sản quy định tại Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP được tiến hành theo các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá chung quy định tại Nghị định này và các pháp luật liên quan. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm gửi đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá và kèm theo tài liệu thuyết minh cụ thể căn cứ pháp lý, lý do nghi ngờ kết quả định giá, định giá lại cho Hội đồng định giá cấp trên

3. Quy định về kết luận định giá tài sản

Tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về kết luận định giá tài sản như sau:

- Kết luận định giá tài sản phải ghi rõ kết luận về giá của tài sản theo nội dung yêu cầu định giá và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản phải gửi kết luận cho cơ quan yêu cầu định giá tài sản, người yêu cầu định giá tài sản.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận định giá tài sản, cơ quan đã yêu cầu, người yêu cầu định giá tài sản phải gửi kết luận định giá tài sản cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

- Để làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá tài sản có quyền yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích kết luận định giá; hỏi thêm Hội đồng định giá tài sản về những tình tiết cần thiết.

Theo thuvienphapluat.vn
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tu-van-phap-luat/72514/khi-nao-thuc-hien-dinh-gia-tai-san-trong-hinh-su
Copy Link
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tu-van-phap-luat/72514/khi-nao-thuc-hien-dinh-gia-tai-san-trong-hinh-su
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khi nào thực hiện định giá tài sản trong hình sự?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO