Sau 3-4 lần liên tiếp thụ tinh ống nghiệm thất bại, nhiều cặp vợ chồng U40, U50 thấy hối hận vì đã bỏ lỡ thời gian "vàng" để lập gia đình và sinh con.
Anh Hoàng, 42 tuổi, là một doanh nhân thành đạt. Trong suốt thời tuổi trẻ, anh tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp, tích lũy tài chính, bỏ qua những mối quan hệ cá nhân và tình cảm. Khi kết hôn với chị Hương ở tuổi 40, anh nhận ra việc có con với hình không dễ dàng.
Dù tìm đến bác sỹ và thử nhiều phương pháp điều trị, sự giảm sút về sức khỏe sinh sản khiến anh mãi không thể có con. Thụ tinh nhân tạo trở thành thử thách lớn khi chất lượng tinh trùng của anh rất kém. Những nỗ lực của anh và vợ không mang lại kết quả như mong đợi, họ có thể sẽ không sinh con được.
Chị Mai, 39 tuổi, một chuyên viên tài chính thành đạt, cũng trải qua hành trình tương tự. Sau thời gian trì hoãn kết hôn để tập trung vào sự nghiệp và tài chính, chị kết hôn với anh Phúc ở tuổi 37. Khi bắt đầu cố gắng có con, họ nhanh chóng nhận thấy vấn đề không đơn giản như mình tưởng. Sau một năm không có tin vui, hai người tìm đến bác sỹ chuyên khoa hiếm muộn.
Chị Mai làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhiều lần, nhưng sau 3 lần chọc hút trứng vẫn chưa thể đậu thai. Cảm giác thất vọng và áp lực ngày càng gia tăng khi tuổi tác tăng thêm, khiến cặp vợ chồng ân hận vì bỏ lỡ độ tuổi vàng để kết hôn, sinh con.
Theo TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, xu hướng kết hôn muộn ngày càng phổ biến, đặc biệt là phụ nữ, nhiều người tập trung vào sự nghiệp và tài chính trước khi lập gia đình.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tuổi kết hôn lần đầu trung bình trên cả nước năm 2021 là 26,2 tuổi (cao là TP.HCM năm 2022 với độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,8 tuổi.
Tuổi tác là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản. Theo bác sỹ Thành, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới, vừa sản xuất hormone sinh dục vừa sản xuất trứng phục vụ quá trình sinh sản. Thông thường, một phụ nữ ở tuổi dậy thì có 300.000-400.000 trứng. Qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, số trứng và nang trứng dự trữ sẽ giảm dần và thường "chạm đáy" ở độ tuổi 45-50, khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.
"Độ tuổi sinh con phù hợp là yếu tố quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Từ 20 đến 35 tuổi là giai đoạn buồng trứng chín muồi và hoạt động tốt nhất nên tỷ lệ cho ra nang trứng tốt sẽ cao hơn. Do đó, phụ nữ nên sinh con trong độ tuổi 20-35 để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé", bác sỹ Thành khuyên.
Bên cạnh đó, tình trạng suy buồng trứng sớm là gánh nặng thứ hai đối với tài sản sinh sản của phụ nữ trong thời đại 4.0.
Việc kết hôn muộn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ mà còn có tác động nghiêm trọng đến nam giới.
Tuổi tác cao ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe sinh sản của nam giới theo nhiều cách. Đầu tiên, khi tuổi càng lớn, số lượng và chất lượng tinh trùng thường giảm sút. Thường nam giới lớn tuổi có lượng tinh trùng ít hơn và chúng ít hoạt động hơn, làm giảm khả năng thụ thai.
Bên cạnh đó, tinh trùng của nam giới lớn tuổi có nguy cơ chứa nhiều đột biến di truyền hơn, con sinh ra có nhiều nguy cơ mắc hội chứng Down hoặc các rối loạn di truyền khác. Họ cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý như rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục và các vấn đề khác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Ngoài ra, áp lực từ việc kết hôn muộn và mong muốn sinh con có thể gây căng thẳng và áp lực tâm lý lớn, không chỉ làm giảm chất lượng tinh trùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của nam giới, làm gia tăng các vấn đề liên quan đến sinh sản.
Bác sỹ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), cũng nhấn mạnh rằng nam và nữ nên kết hôn và có con trước 30 tuổi. Ở độ tuổi này, sức khỏe sinh sản của cả hai giới đều ở trạng thái tốt nhất, ít nguy cơ gặp phải các vấn đề sinh sản và dễ sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Khi tuổi tác tăng lên, khả năng sinh sản của nam và nữ giảm sút, nguy cơ vô sinh và các vấn đề sức khỏe khác gia tăng.