PLBĐ - Liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả hỗ trợ điều trị COVID-19, Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố 3 đối tượng.
Ngày 26/8, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (SN 1960, trú quận Gò Vấp) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (1971, trú quận 11, TP. HCM) để điều tra về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh".
Trước đó, ngày 20/8, lực lượng trinh sát phát hiện Thuận chở 1 thùng carton nghi vấn chứa thuốc tân dược giả nên tiến hành kiểm tra và phát hiện có 150 hộp thuốc điều trị COVID-19 hiệu Terpincodein. Tại đây, Thuận khai nhận là thuốc giả. Đối tượng đã tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.
Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8, cơ quan chức năng phát hiện khu vực sản xuất thuốc là nhà vệ sinh. Công an đã lập biên bản tạm giữ hơn 630.000 viên thuốc giả các nhãn hiệu thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, cùng số lượng lớn nguyên liệu, công cụ, phương tiện sản xuất. Trong số đó có: 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả các nhãn hiệu Neo-Cordion, Angmentin; 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vỉ Neo-codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu…
Bên cạnh việc bắt giữ Nguyễn Đức Thuận, Dương Quốc Chính và Nguyễn Thị Kim Tuyến, Công an TP. HCM đang tiếp tục mở rộng điều tra nhiều người khác khác có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 giả để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Các loại thuốc giả đều không được đảm bảo về chất lượng thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Việc sản xuất và buôn bán thuốc giả là hành vi trái pháp luật, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh".
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 2 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
T.H (th)