Cần khẩn trương tổng rà soát, lên kế hoạch quản lý, giữ gìn, bảo vệ cây xanh (thông qua công nghệ hiện đại); đồng thời xử lý ngay những cây không đảm bảo an toàn, không chỉ trong trường học mà cả trên đường phố, các công trình công cộng
Sáng hôm qua 26-5, một cây phượng vĩ to trong sân Trường THCS Bạch Đằng (TP HCM) bất ngờ bật gốc vào thời điểm nhiều học sinh chuẩn bị vào lớp khiến nhiều em bị thương, trong đó 1 học sinh đã tử vong.
Bạn đọc Dũng xót xa viết: "Đau lòng quá. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bé tử vong, mong cho các bé bị thương mau khỏe lại. Qua đây đề nghị Sở Giáo dục Đào tạo và các ban ngành sớm rà soát lại tất cả các trường có cây xanh, có kế hoạch cắt tỉa, đốn bỏ những cây không bảo đảm an toàn cho học sinh vì mùa mưa đã bắt đầu trong khi năm nay do dịch Covid-19, các cháu không nghỉ hè mà sẽ phải đi học".
Dư luận mong các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát cây xanh trong các sân trường
Bạn đọc Đức Lê nêu ý kiến: "Cây phượng to bất ngờ bật gốc có thể do khi trồng không đúng kỹ thuật. Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều cây xanh trong TP đã "bị" trồng không đúng kỹ thuật. Cụ thể khi trồng xuống các rễ cây chính là rễ cọc và rễ cái không được để tự do, mà đã bị vo tròn, điều này sẽ làm hạn chế sự phát triển theo chiều sâu và chiều rộng của rễ cây, dẫn đến việc khi cây lớn bộ rễ không đủ sức bám sâu để giữ vững cho cây xanh".
Cùng quan điểm với bạn đọc Đức Lê, nhiều bạn đọc khác cũng cho rằng nhìn qua hình ảnh thấy cây phượng bị đổ có rễ rất ngắn và cạn. Cây phượng to nhưng bồn đất ở gốc lại quá nhỏ, đặc biệt bê tông hóa sân trường nên cây bị hạn chế phát triển rễ rộng và sâu, dẫn đến bật gốc.
Cây phượng vĩ là loại cây có thể phát triển tốt trên mọi loại địa hình như ven biển, đồi núi, trung du và đồng bằng. Cây thuộc loại ưa sáng, mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất. Tuổi thọ của cây không cao, chỉ trong khoảng 30 - 40 năm, khi cây đã già cỗi thường có sâu bệnh, nấm bắt đầu tấn công thân có dấu hiệu mục rỗng. Do vậy cần phải được đơn vị có chuyên môn kiểm tra. Bạn đọc Minh Khoa trăn trở: "Không thể có chuyện cây đang xanh tươi mà bất ngờ bật gốc như vậy, chắc chắn phải có dấu hiệu "bệnh" mà không biết để phát hiện kịp thời"
Cần xem lại việc quản lý cây xanh là ý kiến đề xuất của nhiều bạn đọc. "Hiện nay, không ít cây trồng tại TP là được bứng từ nơi khác, trong quá trình bứng cây, để cho gọn gàng và dễ vận chuyển, người ta thường cắt bớt rễ. Vì vậy, bộ rễ cây thường bám đất không rộng và sâu, dễ dẫn đến nguy cơ cây bị tróc gốc"- bạn đọc Mai Văn Giàu lo lắng.
Bạn đọc Nông dân đề nghị: "Sân trường hay vỉa hè hiện nay xung quanh nơi được bố trí trồng cây thường đầy xà bần, bê tông, cát… Khi cây trồng vào chỉ đổ 1 lớp đất dày khoảng hơn 0,5 m thôi. Với hoàn cảnh môi trường như thế, rễ cây khó ăn sâu, rộng vào đất nên rất dễ ngã đổ. Vì vậy hãy chú ý, khắc phục tình trạng này".
Bạn đọc Nguyễn Hoài Vũ góp thêm: "Tình trạng bê tông hóa khiến không còn nhiều đất, không còn nhiều không khí cho cây thở, không còn chỗ cho rễ cây phát triển. Nên chăng cần hạn chế bê tông hóa, hạn chế gạch granite, thay thế bằng bằng gạch con sâu thân thiện với môi trường".
Vụ việc không may đã xảy ra, trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị nào cũng cần phải làm rõ nhưng quan trọng hơn chính là cần phải làm gì để ngăn chặn những tai nạn đau lòng như vậy xảy ra. Theo nhiều bạn đọc đó chính là tăng cường trách nhiệm quản lý cây xanh.
"Các cơ quan chức năng cần khẩn trương tổng rà soát, lên kế hoạch quản lý, giữ gìn, bảo vệ cây xanh (thông qua công nghệ hiện đại); đồng thời xử lý ngay những cây không đảm bảo an toàn, không chỉ trong trường học mà cả trên đường phố, các công trình công cộng. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Đừng để tai nạn xảy ra rồi truy trách nhiệm. Bởi không có gì quý hơn sinh mạng con người"- bạn đọc Đinh Văn Thịnh đề xuất.
(Theo Người lao động)
https://nld.com.vn/ban-doc/khong-co-gi-quy-hon-sinh-mang-con-nguoi-20200527134131482.htm