Nắm vững cách sử dụng phanh xe máy vừa giúp xe có sự ổn định, vừa tránh được tai nạn không đáng có.
Vì vậy, người lái cần trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng phanh xe máy an toàn.
Tăng lực dần dần
Ở xe tay ga, phanh tay bên phải là phanh bánh trước. Phanh trước chiếm khoảng 80% lực hãm trên xe máy. Nếu bóp phanh trước đột ngột và quá mạnh sẽ khiến bánh trước bị bó cứng, đầu xe trượt trên đường, dễ gây tai nạn. Vì vậy, với tay phanh bên phải, ban đầu nên bóp nhẹ nhàng, sau đó tăng dần khi cần thiết.
Duy trì tư thế lái phù hợp
Khi phanh cần duy trì tư thế lái thích hợp, giữ trọng lượng của thân người ở giữa hoặc hơi hướng về phía trước nhằm tối đa hóa lực kéo ở bánh trước. Tránh ngả người về phía sau vì có thể làm giảm độ bám của lốp trước.
Đạp phanh nhẹ nhàng
Giống như tay phanh trước, người lái xe máy số cần đạp phanh sau nhẹ nhàng và tăng dần. Tránh đột ngột hoặc đạp quá mạnh, dễ làm mất lực kéo hoặc bị trượt.
Với xe tay ga, khi muốn giảm tốc độ nên sử dụng phanh sau trước, rồi mới dùng phanh trước. Cách này giúp mang lại hiệu quả phanh tốt nhất, giúp xe giảm tốc và dừng lại ổn định hơn.
Khi điều khiển xe tay ga xuống dốc dài, không nên bóp phanh trước hoặc phanh sau liên tục trong thời gian dài. Điều này làm phanh xe bị nóng, dẫn đến giảm hiệu quả của phanh.
Kết hợp phanh trước và sau khi phanh khẩn cấp
Trường hợp phải phanh khẩn cấp, nên kết hợp cả phanh trước và phanh sau để tối đa hóa lực dừng đồng thời vẫn duy trì khả năng kiểm soát. Do đó, cần sử dụng kết hợp cả phanh sau lẫn phanh trước. Lưu ý, sử dụng một cách nhẹ nhàng và dần dần.
Nếu đủ thời gian, hãy giảm số (với xe số) phù hợp với tốc độ, giúp xe dừng một cách trơn tru mà không làm chết máy.
Khi vào cua, cần giảm tốc độ từ từ, không nên phanh gấp vì dễ mất lái. Sau đó giữ ga ổn định, tránh tăng hoặc giảm đột ngột. Ra khỏi khúc cua, thả phanh nhẹ nhàng và tăng tốc từ từ.