Ngày 27/9, TAND tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Hủy hoại rừng" xảy ra tại huyện Hàm Thuận Nam. Đây là "kỳ án" kéo dài nhiều năm, gây xôn xao dư luận, các bị cáo cho rằng sự thật khách quan chưa được làm rõ.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận do ông Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Tổng giám đốc) làm đại diện, ký Hợp đồng số 59/HĐKT (HĐ số 59) ngày 15/10/2011 với Công ty Phước Sang do ông Nguyễn Văn Hiền (SN 1963) làm Phó GĐ. Hai bên cùng hợp tác đầu tư trồng rừng và cây công nghiệp tại tiểu khu 279, thuộc xã Hàm Cần với 74ha; khoanh nuôi, bảo vệ 44ha.
Quá trình hợp tác, ông Dũng xác định hiện trạng rừng trạng thái “RI” (trảng cỏ, lùm bụi) nên chấp thuận cho Công ty Phước Sang san ủi 63,06/74ha. Đối với khu 44ha, ông Dũng đồng ý đề xuất của Phó TGĐ Nguyễn Hoàng Cẩn, xác định hiện trạng rừng theo kết quả kiểm kê năm 1999, ký phụ lục HĐ số 59 với Công ty Phước Sang. Từ đó, Công ty Phước Sang đã san ủi 21,63ha.
Tại kết luận giám định (KLGĐ) số 01 ngày 27/02/2020, Giám định viên (GĐV) Nguyễn Tử Kim xác định: Có 60,77ha rừng trạng thái “RII” (rừng non mới tái sinh, chưa ổn định) ở cả hai khu vực bị hủy hoại (khu 1: 40,65ha; khu 2: 20,12ha), với trữ lượng gỗ “ước tính” 2.455,5m3. Tổng giá trị thiệt hại là 5,7 tỷ đồng (làm tròn số) bao gồm thiệt hại về lâm sản 1,4 tỷ và thiệt hại về môi trường 4,3 tỷ. Từ đó, các bị cáo bị khởi tố, truy tố về tội "Hủy hoại rừng".
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Hàm Thuận Nam nhận định các bị cáo chỉ gây thiệt hại về lâm sản; không gây thiệt hại về môi trường do đã trồng mới rừng cao su, đang phát huy tác dụng. Cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Cẩn mỗi người 3 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”; bị cáo Nguyễn Văn Hiền 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại rừng”, bị cáo Phạm Văn Lang 1 năm tù cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc hai bị cáo Dũng, Cẩn liên đới bồi thường thiệt hại về lâm sản cho UBND tỉnh Bình Thuận 1,412 tỷ đồng (mỗi bị cáo chịu 706 triệu); bị cáo Hiền bồi thường 23,77 triệu đồng.
Hai bị cáo Dũng, Cẩn có kháng cáo kêu oan; Viện trưởng VKSND huyện Hàm Thuận Nam ký quyết định (QĐ) ngày 12/10/2023, kháng nghị một phần bản án sơ thẩm. Viện đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Cẩn, không cho bị cáo Hiền hưởng án treo, buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại về môi trường.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Cẩn giữ nguyên kháng cáo kêu oan. Các bị cáo đều cho rằng giám định viên đã giám định theo kiểu “ước tính” để quy kết nên đề nghị giám định lại bằng một hội đồng giám định tập thể để đảm bảo tính khách quan.
Bị cáo Dũng xác định bản thân có thiếu sót, đã thực hiện việc khắc phục hậu quả, mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án, giảm nhẹ hình phạt để có điều kiện chăm sóc mẹ già tuổi cao sức yếu.
Trong phần tranh luận, đại diện VKS nhận định: Do Cơ quan điều tra, VKS chưa làm rõ thiệt hại về môi trường nên VKS quyết định rút kháng nghị về bồi thường môi trường.
Về kháng cáo của các bị cáo, VKS nêu quan điểm: Đối với bị cáo Dũng đã thể hiện thái độ thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, có thêm tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, phạt bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Đối với bị cáo Cẩn, VKS giữ nguyên quan điểm kháng nghị, đề nghị phạt bị cáo 4 đến 5 năm tù; đề nghị phạt bị cáo Hiền từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội "Hủy hoại rừng".
Các luật sư bào chữa phát biểu tranh luận, đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra lại do có nhiều thiếu sót, vi phạm tố tụng... Các luật sư đều cho rằng trong vụ án, phương pháp và căn cứ giám định viên đã ban hành kết luận giám định là không đúng luật định, không có biên bản giám định ngoại nghiệp; không có mẫu vật giám định, mẫu vật so sánh tại hiện trường; sử dụng tài liệu không có giá trị pháp lý; tính giá trị thiệt hại không chính xác...
Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 30/9.