Cùng với đà tăng mạnh của biểu lãi suất tiết kiệm trong những tháng gần đây, số tiền nhàn rỗi người dân mang gửi ngân hàng cũng thiết lập kỷ lục mới.
Sau khi lãi tiết kiệm xuống mức thấp kỷ lục trong nửa cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm từ tháng 4 đến nay. Theo đó, từ mặt bằng lãi suất chủ yếu dưới 5%/năm trong những tháng cuối năm 2023, đến nay lãi tiết kiệm cao nhất thị trường đã được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên trên 6%/năm ở nhiều kỳ hạn của các ngân hàng.
Theo khảo sát, tại kỳ hạn 18 tháng, thị trường có HDBank, DongABank, OceanBank hiện cùng giữ mức lãi suất 6,1%/năm. Tiếp sau là BacABank với lãi suất 6,05%/năm và Saigonbank, BaoVietBank với lãi suất 6%/năm.
Ở kỳ hạn 36 tháng, NCB tiếp tục dẫn đầu với lãi suất 6,15%/năm. OceanBank, Saigonbank, SHB, DongABank cùng giữ mức lãi suất 6,1%/năm, trong khi BacABank trả lãi 6,05%/năm.
Lượng tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi của người dân tiếp tục lập kỷ lục
Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm khách hàng nhận được phổ biến ở mức 5%/năm đến 5,8%/năm. Thống kê cho thấy, so với đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động hiện cũng đã tăng 0,5-1% ở nhiều kỳ hạn.
Cùng với đà tăng mạnh của biểu lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng niêm yết trong những tháng gần đây, số tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi ngân hàng lấy lãi cũng lập kỷ lục mới.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 7/2024, tổng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đã đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng, tăng 305.672 tỷ đồng, tương đương tăng 4,7% so với cuối năm 2023. Đây là mức cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiền gửi của người dân đã tăng hơn 448.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, số tiền gửi tiết kiệm của người dân đã tăng thêm hơn 21.100 tỷ đồng so với cuối tháng 6/2024.
Thống kê của ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tiếp trong gần 2 năm qua, bất chấp lãi suất huy động ở vùng thấp kỷ lục trong năm ngoái và 3 tháng đầu năm nay.
Lượng tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi tiết kiệm tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán, vàng, BĐS chứng kiến những rung lắc mạnh thời gian qua.
Ở chiều ngược lại, tính tới cuối tháng 7, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng lại có dấu hiệu giảm nhẹ 1,1% so với cuối năm ngoái, xuống gần 6,77 triệu tỷ đồng, thấp hơn lượng tiền gửi dân cư.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang chuyển dịch vốn sang các kênh đầu tư khác thay vì tập trung vào ngân hàng. Sự dịch chuyển này có thể do nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.