Lạm dụng thuốc xịt mũi khiến trẻ suy tuyến thượng thận

24/10/2022 09:30

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi khiến bệnh mũi, họng ở trẻ dai dẳng. Nhiều trẻ em trong những tháng 9, 10 này bị ho, sổ mũi, ngạt mũi kéo dài cả tháng không dứt. Điều này khiến phụ huynh lo lắng, tự đi mua thuốc xịt/nhỏ mũi về dùng cho trẻ.

Các thuốc xịt mũi, nhỏ mũi đa phần chứa các thành phần kháng sinh, kháng viêm, kháng histamine, co mạch…, do đó sẽ mang lại hiệu quả tức thì nên nhiều phụ huynh ưa sử dụng. Thế nhưng lạm dụng các loại thuốc này có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Mặt to phù sau thời gian dùng thuốc xịt mũi

Bé H.N. (Hà Nội) được gia đình đưa đi khám bệnh do hiện tượng mặt mũi phính tròn mà không phải do tăng cân. Trước đó, bé bị ngạt mũi, gia đình cho đi khám bệnh và được kê đơn một loại thuốc xịt mũi.

Sau khi dùng thuốc, tình trạng ngạt mũi của bé được cải thiện rõ rệt. Từ đó gia đình coi đây như là một "thần dược", trở thành thuốc đầu tay mỗi khi bé ngạt mũi, khụt khịt... Dần dần trở thành thói quen không thể thiếu, người lớn còn xịt mũi "dự phòng" ngay cả khi bé không bị ngạt mũi.

Sau khi khám lâm sàng cùng các kết quả các xét nghiệm, TS. Hoàng Kim Ước, Chuyên gia Nội tiết - Đái tháo đường đã chẩn đoán bé bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc xịt mũi có chứa dexamethason.

Hậu quả của tự mua thuốc xịt mũi điều trị viêm mũi - Ảnh 1.

Thuốc corticoid dạng xịt mũi nếu lạm dụng cũng gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo TS. Hoàng Kim Ước, dexamethason là một loại thuốc thuộc nhóm corticosteroid, một glucocorticoid tổng hợp, có tác dụng giảm đau, chống viêm cực mạnh (mạnh gấp vài chục lần chất tự nhiên có trong cơ thể). Khi dùng sẽ cho tác dụng tức thì, nên khá nhiều bệnh nhân lạm dụng nhóm thuốc này.

Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài, dùng sai, thuốc sẽ ức chế vùng dưới đồi, tuyến yên làm các vùng này không tiết ra hormone chỉ huy tuyến thượng thận, dẫn đến tuyến thượng thận không hoạt động, lâu ngày teo lại gây suy tuyến thượng thận.

Trẻ em nếu bị suy tuyến thượng thận sẽ rất nguy hiểm. Nó làm trẻ chậm lớn, mặt tròn đỏ, da mỏng nhiều vệt tím, yếu, mệt, chân tay teo nhỏ, dễ bị xuất huyết, dễ bị nhiễm trùng, có thể bị suy thượng thận cấp (tử vong) khi bị nhiễm trùng.

Thuốc có nhiều nguy hại như vậy, tại sao lại có rất nhiều chế phẩm thuốc nhỏ/xịt mũi chứa glucocorticoid?

Trả lời vấn đề này, TS. Hoàng Kim Ước cho hay, thuốc nhỏ/xịt mũi chứa glucocorticoid là một thuốc rất tốt nếu được sử dụng đúng, an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc làm giảm nhanh tình trạng viêm, giảm tính thấm mao mạch, giảm phù nề, khô mũi, dễ thở… nên đây là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em trên 2 tuổi và người lớn. Tất nhiên, thuốc ở trẻ em và người lớn sẽ có hàm lượng khác nhau.

Thuốc nhỏ/xịt mũi có glucocorticoid chủ yếu tác dụng tại chỗ, nhưng thuốc cũng có tác dụng toàn thân, đặc biệt nếu lạm dụng dùng lâu dài, liều cao.

Tác dụng phụ tại chỗ thường gặp là kích ứng niêm mạc mũi, làm khô teo niêm mạc mũi dẫn đến chảy máu. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến viêm loét vách ngăn mũi.

Tác dụng phụ toàn thân như trường hợp bệnh nhi nêu trên là suy tuyến thượng thận và các biến chứng của suy tuyến thượng thận mạn như loãng xương, chậm phát triển chiều cao, giảm sức đề kháng...

Glucocorticoid dù có là thuốc tốt nhưng mặt trái là tác dụng phụ khá nguy hiểm, do đó không được lạm dụng. Dù chỉ đưa một giọt/viên thuốc vào người cũng nên do bác sĩ chỉ định.

TS. Hoàng Kim Ước nói.

Cách nào sử dụng thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid an toàn?

Theo TS. Hoàng Kim Ước, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của thuốc kháng viêm glucocorticoid trong điều trị nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh viêm mũi dị ứng. Do đó, thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid cần phải dùng đúng mới đạt hiệu quả điều trị cao mà tránh được tác dụng phụ.

Hậu quả của tự mua thuốc xịt mũi điều trị viêm mũi - Ảnh 3.

Cần dùng thuốc xịt mũi theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người bệnh cần đặc biệt lưu ý:

- Nghẹt mũi, sổ mũi do rất nhiều nguyên nhân gây ra, do đó khi thấy trẻ có hiện tượng này cần đưa trẻ đi khám bệnh tại chuyên khoa nhi hoặc tai mũi họng. Khi chưa xác định rõ nguyên nhân, chỉ nên nhỏ/xịt mũi, vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.

- Nếu biết nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng, trước hết cần loại bỏ hết các yếu tố nguy cơ: Phấn hoa, mùi lạ (nước hoa, nước tẩy nhà vệ sinh, nước lau sàn nhà, xà phòng giặt…), khói thuốc lá, khói bụi, lông thú nuôi… ra khỏi môi trường của trẻ.

- Nếu được bác sĩ kê đơn thuốc, cần tuân theo chỉ định chặt chẽ. Tất cả các loại thuốc nhỏ/xịt mũi cho bé đều không được lạm dụng. Thời gian sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định. Phụ huynh tuyệt đối không tự mua hoặc dùng đơn thuốc cũ đi mua thuốc nhỏ/xịt mũi cho trẻ trong những lần nghẹt mũi sau.

Đối với thuốc kê đơn luôn cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Các thuốc không kê đơn có thể tham khảo tư vấn của dược sĩ có kinh nghiệm tại nhà thuốc.

- Với tình trạng viêm mũi dị ứng dai dẳng khiến trẻ quấy khóc, kém ăn kém ngủ, bác sĩ kê thuốc xịt mũi có glucocorticoid nhưng phải sử dụng đúng chuẩn để tránh tác dụng phụ. Chỉ nên sử dụng trong khoảng 5 - 7 ngày.

Sử dụng thuốc kéo dài, đặc biệt quá 2 tuần, dùng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là vào buổi tối dễ gây ra các tác dụng phụ.

Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lạm dụng thuốc xịt mũi khiến trẻ suy tuyến thượng thận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO