Lạm dụng thuốcTamiflu trị cúm có thể gây trầm cảm cho người uống

03/08/2022 10:01

PLBĐ - Thuốc Tamiflu bắt buộc phải được bác sĩ chỉ định và chỉ sử dụng cho bệnh nhân viêm phổi nặng hoặc cơ địa suy giảm miễn dịch. Nếu sử dụng không đúng chỉ định của bác sĩ có thể dẫn các đến tác dụng phụ, trong đó gây trầm cảm cho người uống.

Không tự ý sử dụng thuốc Tamiflu

Trước tình hình số ca mắc cúm A tăng nhanh, một số người dân đã tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị. Thậm chí, nhiều người mua để tích trữ dự phòng gia đình có người mắc cúm.

Chia sẻ trên Vietnamnet, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP. HCM cho biết, bệnh cúm có thể tự khỏi. Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa. Cúm do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2 gây ra.

Tuy nhiên, bệnh sẽ diễn tiến nặng ở những trường hợp nguy cơ như người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch... Ngoài ra, tình trạng người dân mua và tích trữ thuốc Tamiflu như 1 thần dược chữa trị cúm A khiến ngành y tế lo ngại.

Theo bác sĩ Khanh, thuốc Tamiflu được sử dụng từ 5-7 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người dân tự động uống Tamiflu sau khi bị cúm 48 tiếng hoặc 72 tiếng, thuốc sẽ không hiệu quả.

Đặc biệt, Tamiflu có một tác dụng phụ lên thần kinh rất nguy hiểm - gây trầm cảm. Bác sĩ nhấn mạnh, dù uống Tamiflu ngắn ngày nhưng có thể khiến người bệnh có những suy nghĩ bi quan, trầm cảm. Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị nôn ói, dị ứng…

Đối với trẻ em, cách uống Tamiflu rất khó. 1 viên nang Tamiflu được đóng gói sẽ là quá liều với trẻ nhỏ, muốn sử dụng phải đúng chỉ định và chia nhỏ viên nang, pha chế với nước. Do đó, tốt nhất đưa trẻ vào bệnh viện, nếu cần sử dụng thuốc, sẽ được nhân viên y tế thực hiện.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, thuốc Tamiflu chỉ sử dụng cho bệnh nhân viêm phổi nặng hoặc cơ địa suy giảm miễn dịch. Thuốc bắt buộc phải được bác sĩ chỉ định. Do đó, người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu dự trữ tại nhà là không cần thiết.

Lạm dụng Tamiflu trị cúm có thể gây trầm cảm cho người uống - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chuyên gia chỉ cách phòng bệnh cúm

Theo Đại đoàn kết, TS. BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông - xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như COVID-19. Để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông; nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành.

Để chủ động phòng, chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo Bộ Y tế thông tin, từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số trường hợp nhập viện do cúm tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó 97,6% là mắc cúm A theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương).

6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 141.179 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Không ghi nhận trường hợp mắc các chủng cúm gia cầm chủng độc lực cao như cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)...

Số ca mắc cao nhất trong tháng 3/2022 (37.442 ca), tháng 2/2022 (28.199 ca), tháng 4/2022 (21.992 ca). Số mắc cúm ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, trong đó các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao: Thanh Hóa (36.759 ca), Thái Bình (13.876 ca), Hưng Yên (13.392 ca), Nghệ An (8.792 ca), Hà Tĩnh (8.028 ca)...

Tính riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, thời gian qua có hơn 3.500 người đến khám triệu chứng nghi mắc cúm.

Lý giải nguyên nhân số ca mắc cúm A tăng, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phân tích, trong 2 năm dịch COVID-19, người dân đeo khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng, chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ít. Tuy nhiên, sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, người dân chủ quan hơn trong phòng, chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vậy số ca mắc có xu hướng tăng, nhưng đến nay, chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lạm dụng thuốcTamiflu trị cúm có thể gây trầm cảm cho người uống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO