Theo chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đã trở thành hai nhân tố đóng vai trò quan trọng.
Để có thể phát triển các cơ hội do làn sóng công nghệ mới này mang lại, theo bà Thảo Griffiths, Giám đốc Chính sách công phụ trách thị trường Việt Nam của Meta, cần có sự hợp tác liên tục giữa Chính phủ, các công ty công nghệ và các cơ sở đào tạo, từ đó củng cố vị thế của Việt Nam trong bối cảnh công nghệ toàn cầu.
Hồi đầu năm, một đại diện Meta từng nhận định rằng Việt Nam sẽ trở thành "con rồng" trí tuệ nhân tạo ở khu vực Đông Nam Á. Bà có thể chia sẻ thêm về nhận định này?
Dưới góc nhìn của Meta, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành "con rồng" trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ở Đông Nam Á. Lý do bởi Việt Nam sở hữu nguồn nhân tài dồi dào. Với dân số trẻ hơn 100 triệu người và độ tuổi trung bình là 32, Việt Nam sẵn sàng dẫn đầu nền kinh tế số ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, được ví như một ‘con hổ’ mới về kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã thể hiện tốc độ phát triển vượt bậc trong những năm qua, tiến tới đi đầu trong thương mại quốc tế.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đóng góp đáng kể vào việc tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu và xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ vậy, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế số của quốc gia, cũng rất cởi mở hợp tác kinh tế cùng nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ.
Vậy từ kinh nghiệm của Meta ở các nước, những yếu tố chính mà Việt Nam cần giải quyết để có thể tận dụng tối đa tiềm năng về AI, thực sự hóa rồng trong lĩnh vực này là gì?
Chúng tôi cho rằng có một số yếu tố chính mà Việt Nam cần lưu ý để phát huy tiềm năng AI của mình.
Đầu tiên, đầu tư vào phát triển nhân tài là vô cùng quan trọng. Những chương trình nâng cao kỹ năng và hợp tác với các nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu là vô cùng cần thiết để nuôi dưỡng thế hệ của những sáng kiến AI mới.
Thứ hai, thúc đẩy một hệ sinh thái AI toàn diện cũng là một yếu tố thiết yếu. Sự phát triển của AI nên mang lại lợi ích rộng lớn và trên nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và sản xuất, từ đó tạo ra những tác động kinh tế sâu rộng.
Thứ ba, trong khi tiềm năng phát triển của công nghệ AI ở Việt Nam là vô hạn, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để biến tiềm năng đó trở thành hiện thực. Để phát triển các công nghệ mới, việc đảm bảo kết nối Internet là yếu tố không thể thiếu. Chúng tôi đang khuyến khích Việt Nam mở toàn bộ kết nối 6 GHz để tạo điều kiện cho các dịch vụ đổi mới thế hệ tiếp theo.
Như đã đề cập ở trên, Meta cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong phát triển AI. Vậy chiến lược cụ thể của Meta sẽ là gì?
Chúng tôi đang hợp tác triển khai một số chương trình tại Việt Nam. Như các bạn đã biết, chúng tôi tiếp tục đồng hành với Bộ Kế Hoạch đầu tư trong năm thứ hai của Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Từ năm 2017, chúng tôi đã đào tạo kỹ năng số cho gần 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân tố được coi là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi hân hạnh đón tiếp phái đoàn cấp cao từ chính phủ Việt Nam đến thăm trụ sở chính của Meta tại Thung lũng Silicon. Chúng tôi đã trình bày với phái đoàn về những cải tiến công nghệ mới nhất, bao gồm AI; những gì công nghệ có thể mang lại cho nhân loại cũng như nền kinh tế các quốc gia; và tìm hiểu cơ hội để Meta đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Meta đang cân nhắc các kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường đầu tư vào Việt Nam, và chúng tôi hy vọng sẽ có thể sớm chia sẻ chi tiết hơn với các bạn.
Đề cập khá nhiều đến đến Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam, vậy Meta - nhà đồng hành của VIC đóng vai trò ra sao?
Meta rất vinh dự được hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam trong mùa thứ hai, với trọng tâm là xây dựng năng lực và nguồn nhân tài để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Trong những tháng gần đây, với tư cách là đối tác chiến lược và đơn vị đồng tổ chức, chúng tôi đã tích cực tham gia cùng Hội đồng tuyển chọn để xem xét và đánh giá các đề xuất giải pháp nhằm tìm ra những sáng kiến nổi bật nhất.
Chúng tôi tin rằng những giải pháp này sẽ tiếp thêm sinh lực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp đất nước.
Chúng tôi tin rằng những giải pháp tham gia VIC 2024 sẽ tiếp thêm sinh lực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam
Meta đánh giá thế nào về chất lượng của các dự án được gửi dự thi trong năm nay?
Chúng tôi rất vui mừng khi thấy chương trình thu hút 750 đề xuất giải pháp sáng tạo không chỉ tại Việt Nam mà còn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ nổi tiếng với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sôi động như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Đức…
Đặc biệt, chương trình năm nay có tới 39 giải pháp sử dụng Llama, mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở hiện đại nhất của Meta, trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các doanh nghiệp lớn và các startup.
Chúng tôi rất vui khi thấy các giải pháp tham gia đã bám sát vào ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hai nhân tố đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu và chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.
Thông qua các doanh nghiệp tham gia VIC năm nay, Meta có nhận định thêm gì về việc ứng dụng AI, khởi nghiệp trong lĩnh vực AI ở Việt Nam?
Tại chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm nay, có tới 39 giải pháp sử dụng Llama, mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở hiện đại nhất của Meta. Từ đây, chúng tôi có thể thấy được năng lực sáng tạo và đam mê đổi mới từ các doanh nghiệp Việt Nam. Sự đa dạng trong các giải pháp ứng dụng AI tham gia chương trình năm nay đã chứng minh rằng AI có nhiều cơ hội được áp dụng trên các lĩnh vực đa dạng tại Việt Nam.
Một trong những lĩnh vực nổi bật có thể kể đến là kinh doanh hội thoại. Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh doanh hội thoại và có tiềm năng phát triển rất lớn. Theo một nghiên cứu do Meta và Boston Consulting Group công bố năm 2022, 73% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát sử dụng kinh doanh hội thoại để bắt đầu trò chuyện với doanh nghiệp.
Đó là lý do tại sao chúng tôi đã thử nghiệm công cụ trợ lý AI dành cho doanh nghiệp tại Việt Nam kể từ tháng 6 năm nay, cùng với các công cụ khác như Công cụ hỗ trợ kinh doanh qua Facebook Live, Tính năng khám phá sản phẩm trên Messenger, Tính năng tự động hóa Advantage+ AI dành cho nhà quảng cáo.
Qua các chương trình hợp tác như Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng khi thấy Việt Nam ưu tiên AI trong các sáng kiến phù hợp với mục tiêu của Meta về thúc đẩy kinh tế tri thức. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong phát triển AI, không chỉ ở cấp độ khu vực mà còn trên toàn cầu.