Lao động nữ là mẹ nuôi con nhỏ bao nhiêu tháng tuổi thì được xin về sớm? Lao động nữ được nghỉ chế độ thai sản như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, đối với lao động nữ là mẹ nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được xin về sớm 01 giờ làm việc đối với những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến việc nuôi con nêu trên.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
Lao động nữ là mẹ nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được xin về sớm (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, nghỉ thai sản đối với người lao động nữ được quy định như sau:
(i) Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
(ii) Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
(iii) Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản (i) nêu trên, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
(iv) Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản (i) nêu trên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Lưu ý, lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Căn cứ Điều 140 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản (i), (iii) và khoản (v) Mục 2 nêu trên mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.
Trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Điều 142. Nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con - Bộ luật Lao động 2019 1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con. 2. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều này. |