Ngày 30/10, một trang mạng xã hội đăng tải nội dung "Đường về Đầm Dơi nay hơi lạ", kèm theo đoạn clip dài khoảng 20 giây ghi hình chiếc ô tô di chuyển trên đường có một bánh xe sau giống như bánh xe máy.
Đoạn clip đã nhận nhiều lượt bình luận của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng chiếc xe ô tô trên gây mất an toàn giao thông khi di chuyển trên đường.
Được biết, cơ quan chức năng huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) đã vào cuộc, làm rõ sự việc nêu trên.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Thạc sĩ - Luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định về bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ, việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
"Như vậy, theo quy định trên thì chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bởi vậy, việc chủ phương tiện tự thay đổi kết cấu, hệ thống xe, sử dụng bánh xe máy cho ô tô vì bất kể ký do gì cũng là không đúng quy định pháp luật. Hành vi này có thể gây mất an toàn khi tham gia giao thông và có thể gây ảnh hưởng đến phương tiện khác khi lưu thông cùng tuyến đường nếu xảy ra sự cố, tai nạn", luật sư Hoàng Thị Hương Giang nhận định.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho biết, người thực hiện hành vi tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container trên xe (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân. Còn đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị xử phạt từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
"Nội dung nêu trên được quy định tại điểm i, khoản 17, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt", luật sư Hoàng Thị Hương Giang thông tin.