Lazada liệu có “cửa sáng” trong thị trường TMĐT hơn 300 tỷ USD tại Đông Nam Á.
Ngày hôm qua, công ty thương mại điện tử Lazada đã lần đầu tiên thông báo có lãi sau 12 năm hoạt động. Cụ thể, Tổng giám đốc điều hành James Dong cho biết trong một cuộc họp nội bộ rằng Ebitda (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) của Lazada lần đầu tiên chuyển dương vào tháng 7.
Theo ông James Dong kết quả này là minh chứng cho hiệu quả trong chiến lược kinh doanh của Lazada, đồng thời khẳng định công ty sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Đông Nam Á theo một mô hình hoạt động bền vững.
Việc đạt được lợi nhuận này mang lại động lực quan trọng cho toàn thể đội ngũ Lazada cũng như các đối tác trong hệ sinh thái của công ty. Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu và đối tác đã bày tỏ lo ngại về cam kết của Lazada đối với khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế, Đông Nam Á hiện là một trong những mũi nhọn phát triển của Alibaba – công ty mẹ của Lazada. TMĐT của khu vực này dự kiến sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025 và là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu trong năm năm qua.
Được thành lập vào năm 2012, Lazada đã được Alibaba mua lại bốn năm sau đó. Hiện công ty đang hoạt động ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Công ty hiện đang phục vụ cho một lượng dân số khổng lồ là 655 triệu người.
Năm ngoái, Lazada đặt mục tiêu đạt tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) hàng năm là 100 tỷ USD vào năm 2030 khi tổng số khách hàng đạt 300 triệu.
Câu hỏi đặt ra là, liệu tham vọng kể trên có thể thành hiện thực?
Tới thời điểm này, Lazada đã phần nào cho thấy thành công trong việc nắm bắt các sắc thái của thương mại điện tử trong khu vực, tận dụng sự kết hợp giữa tính tập trung vào khách hàng, sự đổi mới, quan hệ đối tác chiến lược và bản địa hóa. Triết lý tập trung vào khách hàng của công ty củng cố đề xuất giá trị, giá cả cạnh tranh, các khuyến nghị được cá nhân hóa và các chiến dịch khuyến mại.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số phổ biến của Lazada được hưởng lợi từ những cải tiến trong tương tác truyền thông kỹ thuật số. Ví dụ, hãy xem xu hướng của Lazada tại Indonesia. Indonesia có dân số khoảng 262 triệu người và 132 triệu người dùng internet, xếp thứ năm trên toàn cầu.
Tỷ lệ thâm nhập Internet tại Indonesia đạt 78,1% vào năm 2023, tăng đáng kể so với mức 64% vào năm 2018. Lazada đã nhìn thấy cơ hội thâm nhập vào không gian kỹ thuật số tại đây và dẫn đầu tại Indonesia với hơn 20 triệu lượt truy cập mỗi quý.
Lazada nhận được hơn 13 triệu lượt truy cập web hàng tháng tại Malaysia và nằm trong top 3 khu vực. Lazada xếp hạng 3 về mức độ phổ biến của lượt tải xuống ứng dụng trên cả Playstore và Appstore, với hàng triệu tương tác tích cực trên mạng xã hội.
Trang web của công ty có danh mục sản phẩm và chương trình khuyến mãi trực tiếp hàng ngày để thu hút khách hàng, đồng thời khách hàng dễ dàng lựa chọn phương thức thanh toán để đặt hàng trực tuyến.
Lazada tập trung vào việc thiết lập sự hiện diện của thương hiệu trên các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter, Facebook và Instagram để thu hút sự giao tiếp của người tiêu dùng và hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường.
Với lượng người dùng khổng lồ lên tới 160 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và doanh thu hàng năm ấn tượng là 1,8 tỷ USD, Lazada vẫn là lựa chọn quan trọng đối với các thương hiệu đang tìm cách mở rộng sang Đông Nam Á.
Mặc dù Lazada đã trải qua sự sụt giảm đáng kể trong xu hướng hàng năm, thoái lui xuống mức thấp hơn so với thời điểm khởi đầu vào đầu năm 2020, nhưng công ty này vẫn liên tục được xếp hạng trong số các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn như Shopee và Tokopedia.
Đáng nói, Lazada hiện có nguồn hỗ trợ tài chính vững chắc từ Alibaba. Cuối tháng 5 vừa qua, tờ Tech in Asia dẫn số liệu từ Alternatives.pe, cho biết Alibaba đã bơm thêm 230 triệu USD cho nền tảng thương mại điện tử này.
Như vậy tổng cộng Alibaba đã đầu tư 7,7 tỷ USD cho Lazada kể từ năm 2016. Khoản đầu tư mới nhất này cũng là lần đầu tiên Alibaba bơm tiền cho Lazada kể từ đầu năm 2024 đến nay. Trước đó vào năm 2023, Alibaba đã đầu tư 1,8 tỷ USD cho nền tảng TMĐT đến từ Singapore.
Thời gian gần đây, Lazada cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống kho bãi và logistics, giúp cải thiện hiệu quả giao hàng và giảm thời gian chờ đợi của khách hàng. Việc xây dựng các trung tâm phân phối chiến lược trên khắp Đông Nam Á đã giúp Lazada xử lý hàng triệu đơn hàng mỗi ngày một cách nhanh chóng và hiệu quả. Sự đầu tư này mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Lazada giữa lúc các đối thủ khác cũng đang vươn lên mạnh mẽ.
Nhìn chung, Lazada hiện đang ở vị trí vững chắc để tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Với việc tập trung vào công nghệ, dịch vụ khách hàng và mở rộng quan hệ đối tác, Lazada có thể tận dụng cơ hội từ sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để làm nên chuyện và đạt được những thành công lớn hơn nữa, Lazada cần phải liên tục duy trì sự đổi mới và linh hoạt trong chiến lược phát triển của mình.