Vừa qua, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân 2025 đã để lại ấn tượng sâu sắc và mang đến cho người dân Hải Phòng cũng như du khách những trải nghiệm văn hóa độc đáo, những hoạt động truyền thống đầy ý nghĩa.
Lễ hội được tổ chức hằng năm, là dịp để người dân Hải Phòng thể hiện lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và truyền thống ‘‘Uống nước nhớ nguồn”; tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân – Người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa – thành phố Hải Phòng ngày nay. Năm 2016, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khẳng định giá trị to lớn của lễ hội trong đời sống tinh thần của người dân.
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với nhiều hoạt động như: lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ, lễ tế chính, tế nữ quan… Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian diễn ra đồng thời tại 3 địa điểm: Đền Nghè, Đình An Biên, Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, song tập trung chủ yếu ở khu vực sân Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh thành phố.
Tại khu vực công viên sau Trung tâm Triển lãm và Điện ảnh thành phố, hoạt động chợ quê tái hiện không gian chợ làng Vẻn xưa diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo người dân thành phố và du khách tham gia.
Bên cạnh những hoạt động văn hoá truyền thống, tại khu vực phía sau Tượng đài Nữ tướng Lê Chân cũng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi như: cờ người và các trò chơi dân gian; Liên hoan võ cổ truyền mở rộng; Hội thi Dân vũ thể thao; Hội thi chim chào mào đấu hót...
Đặc biệt, trong lễ khai mạc lễ hội năm nay diễn ra vào lúc 20h ngày 7 tháng 3 (tức ngày 8 tháng 2 năm Ất Tỵ) có nội dung đón nhận Bảo vật Quốc gia “Bộ kim phẩm Đền Nghè”. Bộ kim phẩm đền Nghè, niên đại đầu thế kỷ XX, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng, là một trong 33 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt cuối trong năm 2024.
Năm 2025, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được tổ chức với quy mô lớn hơn, nội dung phong phú hơn và hình thức thể hiện đa dạng hơn. Lễ hội không chỉ là một sự kiện văn hóa đặc sắc mà còn là niềm tự hào của người dân Hải Phòng, là dịp để người dân thành phố thể hiện lòng biết ơn, tự hào về vị nữ tướng anh hùng, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh thành phố Hải Phòng năng động, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.