Lệ phí thành lập hộ kinh doanh là bao nhiêu?

29/08/2024 17:33

Lệ phí thành lập hộ kinh doanh là bao nhiêu? Khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh thì cần nộp mấy bộ hồ sơ?

1. Lệ phí thành lập hộ kinh doanh là bao nhiêu?

Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí đăng ký kinh doanh là khoản thu khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã).

Thêm vào đó, theo khoản 7 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, quy định về danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như sau:

(i) Lệ phí đăng ký cư trú (đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).

(ii) Lệ phí cấp chứng minh nhân dân (đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).

(iii) Lệ phí hộ tịch.

(iv) Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đối với cấp phép do cơ quan địa phương thực hiện).

(v) Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.

(vi) Lệ phí cấp giấy phép xây dựng.

(vii) Lệ phí đăng ký kinh doanh.

Như vậy, lệ phí đăng ký kinh doanh (lệ phí thành lập hộ kinh doanh) là khoản thu khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã).

Mức thu lệ phí thành lập hộ kinh doanh sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nên mỗi tỉnh sẽ có quy định riêng về vấn đề này. Đồng nghĩa, mức thu lệ phí đăng ký hộ kinh doanh ở các tỉnh khác nhau có thể sẽ khác nhau.

Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024

hộ kinh doanh

Lệ phí thành lập hộ kinh doanh (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)

2. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh

Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh được quy định như sau:

(i) Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định, trừ các trường hợp sau đây:

- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

(ii) Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản (i) Mục này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

(iii) Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

3. Số lượng hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh?

Điều 85 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp 01 bộ hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.

Lưu ý: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không được yêu cầu người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lệ phí thành lập hộ kinh doanh là bao nhiêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO