Theo quy định của Bộ luật Lao động, công chức, người lao động được nghỉ đến 22 ngày các dịp lễ, Tết năm 2025.
Tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, từ năm 2021 người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, Tết và được hưởng nguyên lương.
Cụ thể:
- Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1/1 Dương lịch);
- Tết Âm lịch 5 ngày;
- Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 Dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 Dương lịch);
- Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 Âm lịch).
Theo quy định, nếu những ngày nghỉ trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ theo quy định.
Đối với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và các ngày nghỉ lễ năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc Khánh và hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5/2025.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2025, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần (từ 25/01 - 02/02/2025 tức 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng).
Đối với kỳ nghỉ lễ 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5, công chức, người lao động nghỉ liên tiếp 5 ngày từ thứ Tư đến hết Chủ nhật, tức 30/4 đến 4/5/2025 do hoán đổi ngày làm việc từ thứ Sáu (ngày 02/5/2025) sang thứ Bảy (ngày 26/4/2025)
Lễ Quốc khánh năm 2025 nghỉ ngày 02/9 và 1 ngày liền kề trước, tức kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày từ 30/8 đến hết 02/9/2025.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 rơi vào thứ Hai (7/4/2025) nên công chức, người lao động sẽ được 3 ngày liên tục do 2 ngày liền kề trước kỳ nghỉ là ngày nghỉ hằng tuần.
Do đó, công chức, người lao động có 22 ngày nghỉ các dịp lễ, Tết trong năm 2025, gồm 11 ngày chính thức và 11 ngày nghỉ bù.
Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương vào ngày lễ, Tết.
Do vậy, trường hợp không nghỉ mà đi làm vào ngày lễ, Tết thì người lao động sẽ được tính 02 lần lương bao gồm: Lương ngày nghỉ và lương làm thêm giờ khi đi làm.
Theo đó, căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đi làm ngày lễ, Tết được tính lương như sau:
- Nếu làm việc vào ban ngày: Được trả lương làm thêm giờ = Ít nhất 300% lương ngày làm việc bình thường.
- Nếu làm việc vào ban đêm: Được trả lương làm thêm giờ = Ít nhất 390% lương của ngày làm việc bình thường.
Như vậy, nếu đi làm vào ngày nghỉ lễ Tết thì người lao động sẽ được trả ít nhất 400% lương/ngày nếu làm ban ngày và ít nhất 490% lương nếu làm ban đêm.
Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 đã không còn quy định người lao động được nghỉ bù sau mỗi đợt làm thêm tối đa là 07 ngày liên tục trong tháng (theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định 45 hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hiện đã hết hiệu lực).
Thay vào đó, theo quy định hiện hành thì chỉ khi ngày Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động mới được nghỉ bù. Còn trong dịp Tết 2025, người làm việc sẽ không được nghỉ bù.
Đồng nghĩa là nếu đi làm vào ngày Tết thì người làm việc chỉ được tính lương làm thêm giờ chứ không còn được nghỉ bù vào ngày khác như trước đây.