Nhiều người cho rằng lễ Vu Lan và cúng cô hồn là một, nhưng thực chất hai ngày lễ này có nguồn gốc, ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Lễ Vu Lan báo hiếu và cúng cô hồn vốn dĩ khác nhau về nguồn gốc, ý nghĩa. Tuy nhiên, hai ngày lễ lớn này đều diễn ra trong tháng 7 Âm lịch và đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là đề cao việc báo hiếu và làm phúc, bố thí.
Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Tương truyền khi còn sống, mẹ ông là bà Thanh Đề gây nhiều nghiệp ác nên phải vào ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ. Mục Liên đã tìm Đức Phật để hỏi cách cứu mẹ.
Phật nói rằng chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Ngày lễ này nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước.
Trong ngày cúng Lễ Vu Lan Rằm tháng 7, người ta thường chuẩn bị đồ cúng "trên chay dưới mặn", tức trên hoa quả, dưới là cỗ mặn để dâng lên ông bà, tổ tiên.
Các món được chuẩn bị tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, hoặc nấu các món ăn khi xưa ông bà tổ tiên của mình thích.
Nguồn gốc của lễ cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Họ cho rằng ngày Diêm vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan từ ngày mùng 2 tháng 7 và đến Rằm tháng 7 Âm lịch.
Việc mở cửa để cho ma quỷ đói được trở lại trần gian rồi đi ra tứ phương. Sau 00h00 ngày 14 tháng 7 Âm lịch sẽ kết thúc, các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Lễ cúng cô hồn tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian để họ không quẫy nhiễu con người.
Việc cúng cô hồn thể hiện sự từ bi làm phúc, muốn chia sẻ sự đau khổ cho những linh hồn lang thang sống bơ vơ, vất vưởng, không được siêu thoát, không được người thân chăm lo, thờ cúng.
Cúng cô hồn có thể tiến hành từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng 7 Âm lịch. Thông thường, các gia đình thường cúng cô hồn vào buổi chiều ngày 15 tháng 7 Âm lịch.
Trong mâm cúng cô hồn thường có những lễ vật như: Muối, gạo, nước, cháo trắng, giấy áo, giấy tiền, bánh, kẹo, bỏng ngô, hoa, quả…
Kết thúc nghi thức cúng cô hồn, gia chủ rải gạo, muối ra sân và đường. Ở nhiều địa phương, còn có tục "cướp" đồ cúng sau khi đã hoàn thành tất cả các nghi thức cúng cô hồn.
An Bình
Theo Vietnamnet