Lén lút trồng cây thuốc phiện trong vườn sẽ bị xử lý thế nào?

27/02/2021 12:41

Theo luật sư, việc một số hộ dân lén lút trồng cây thuốc phiện (cây anh túc) với số lượng ít hơn 500 cây, ngoài biện pháp giáo dục, thuyết phục, xử phạt vi phạm hành chính, nếu cố tình vi phạm có xử lý hình sự.

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Công ty Luật Hưng Nguyên Hà Nội) cho biết, theo quy định, đối với người trồng cây thuốc phiện nhưng chưa thuộc các trường hợp áp dụng mức phạt tù, sẽ bị xử phạt hành chính. “Khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình) quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, luật sư Nguyên dẫn giải.

Lén lút trồng cây thuốc phiện trong vườn sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phát hiện nhiều người dân trồng hàng trăm cây thuốc phiện trong vườn.

Theo Luật sư Nguyên, việc một số hộ dân lén lút trồng cây thuốc phiện nếu đã được chính quyền địa phương giáo dục nhiều lần, có người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, chính quyền địa phương đều đã hỗ trợ giống cây trồng để làm ăn, ổn định sản xuất nhưng vẫn cố tính trồng cây thuốc phiện thì sẽ bị xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo đó, để xác định một người trồng cây thuốc phiện có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không cần phải xem xét có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm sau đây: Thứ nhất, có hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (không kể bằng kỹ thuật nào, ở đâu) để thu hoạch cây, hoa, lá… Đây là các loại cây các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ.

Thứ 2, đã được cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, những người có trách nhiệm ở địa phương, vận động, thuyết phục, nhắc nhở cho làm cam kết (từ hai lần trở lên) không được trồng cây thuốc phiện và các loài cây khác có chứa chất ma túy. Đồng thời họ cũng đã được tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách cũng như quy định của pháp luật về việc cấm trồng cây thuốc phiện và các loại cây có chứa chất ma túy khác. Chỉ bị coi là đã được giáo dục nhiều lần nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính (thể hiện bằng văn bản để chứng minh).

Thứ 3, được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Thứ 4, đã được xử phạt hành chính về hành vi này, nay lại trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy mà bị phát hiện.

Luật sư Nguyên cho biết, Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Với số lượng 3.000 cây trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Như Tiền Phong đã thông tin, trong ngày 24 và 25/2, công an đã kiểm tra, xử lý 5 trường hợp tại Bắc Giang trồng cây thuốc phiện (loại cây anh túc) trong vườn.

Cụ thể, Công an huyện Lục Ngạn phối hợp với Công an thị trấn Chũ, xã Kiên Thành, xã Tân Lập tiến hành kiểm tra, xử lý thu giữ 4 trường hợp trồng cây thuốc phiện trong vườn. Các trường hợp này đều thừa nhận có trồng nhưng do thiếu hiểu biết chỉ để làm rau ăn hoặc cho lợn. Hầu hết các cây thuốc phiện này đều đã cho quả.

Trước đó, Công an huyện Việt Yên phát hiện và tạm giữ gần 3.000 cây anh túc của một người dân trồng trong vườn ở xã Tiên Sơn. Cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người vi phạm.

Theo Long Vân/Tiền Phong

Nguồn: https://www.tienphong.vn/ban-doc/len-lut-trong-cay-thuoc-phien-trong-vuon-se-bi-xu-ly-the-nao-1799060.tpo

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lén lút trồng cây thuốc phiện trong vườn sẽ bị xử lý thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO