Liên tiếp các vụ ngộ độc khí CO khi sưởi ấm bằng than

20/11/2020 18:43

PLBĐ - Đốt than để sưởi sau sinh theo phong tục, một sản phụ ở Gia Lai đã không may bị ngạt khí CO dẫn đến tử vong. Trước đó, ở nước ta đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn vì nguyên nhân tương tự gây thương vong.

Ngày 20/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã bàn giao thi thể sản phụ N.T.L (SN 1995, trú thôn Tân Lập, xã Trang, huyện Đắk Đoa) cho gia đình về mai táng.

Được biết, sản phụ L. mới sinh con được 1 tuần tuổi. Từ khi sinh con, sản phụ đã đốt lò than trong phòng để sưởi, hơ theo phong tục. Tuy nhiên, sau đó sản phụ thấy mệt mỏi, ăn uống kém.

Đến sáng 19/11, sản phụ hôn mê bất tỉnh nên gia đình đã đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, bác sĩ xác định sản phụ L. hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, chẩn đoán do ngộ độc khí CO. Đến tối 19/11, chị L. đã tử vong tại bệnh viện.

Sưởi than theo phong tục sau sinh, sản phụ tử vong thương tâm - Ảnh 1.

Dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng sản phụ đã tử vong. (Ảnh: Người lao động)

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nước ta đã đã liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than. 

Theo đó, sáng ngày 17/11 vừa qua, Trạm Y tế xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã tiếp nhận 4 bệnh nhân, gồm: bà M.T.H (54 tuổi), B.V.C (25 tuổi), B.T.V (24 tuổi) và cháu B.T.B (mới sinh ít ngày tuổi).

Ban đầu 2 bệnh nhân H. và C. hôn mê, mạch nhỏ, huyết áp tụt không đo được; bệnh nhân V. biểu hiện lơ mơ, mạch yếu, huyết áp tụt; cháu B. không thấy dấu hiệu bất thường. Sau đó, Trạm Y tế xã Kỳ Nam cho chuyển các bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh.


Vào lúc 12h cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh đã chuyển 2 bệnh nhân H. và C. ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Chiều cùng ngày, 2 bệnh nhân này tiếp tục được chuyển lên tuyến trên. 


Ngay sau khi nhận tin báo, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã đến kiểm tra hiện trường, ghi nhận phòng ngủ của 4 bệnh nhân có diện tích khoảng 6m², có 1 nồi than lớn, nằm dưới chỏng tre, phòng kín không thoáng khí... Theo nhận định ban đầu, các bệnh nhân có khả năng ngộ độc khí CO do sử dụng than củi để sưởi sau sinh. 


Liên tiếp các vụ ngộ độc khí CO khi sưởi ấm bằng than - Ảnh 2.

Bệnh nhân H. và C. được chuyển vào bệnh viện cấp cứu. (Ảnh: SGGP)

Trước đó, chiều ngày 6/11, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cũng đã tiếp nhận 5 bệnh nhân trong cùng một gia đình bị ngộ độc khí than.


Cụ thể, khoảng 6h15 cùng ngày, chị T.T (19 tuổi, trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và 4 người thân ở cùng một nhà nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, chóng mặt và khó thở. Trong 5 trường hợp nhập viện có một trẻ sơ sinh 23 ngày tuổi (con của chị T.). Ngay khi tiếp nhận, bác sĩ cho các bệnh nhân thở oxy liều cao.


Được biết, chị T. mới sinh, do trời trở lạnh nên đóng kín cửa phòng đốt than sưởi ấm và dẫn đến ngộ độc. 


Liên tiếp các vụ ngộ độc khí CO khi sưởi ấm bằng than - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Hồi tháng 11/2019, nước ta cũng đã ghi nhận 3 trường hợp thương vong vì ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi. 


Nạn nhân bao gồm, sản phụ Mã Thị Tr. (trú tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cùng con nhỏ mới sinh 3 ngày tuổi và chồng chị Tr. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, rối loạn ý thức. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Y tế cho thấy, các bệnh nhân đều có chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao.


Sau khi nhập viện, dù được các bác sỹ hết sức cứu chữa nhưng một phần do bệnh nhân vừa sinh con, sức khỏe yếu nên chị Tr. đã tử vong.


CO là một loại khí không mùi, không vị, không màu, không gây kích ứng, được hình thành bằng quá trình đốt hydrocarbon. Một số nguồn có thể sinh ra khí CO như hệ thống sưởi ấm hoạt động kém chất lượng, lò sưởi dầu lửa, lò nướng than, bếp cắm trại, máy phát điện dùng xăng và động cơ xe hoạt động ở khu vực thông khí kém.

Nạn nhân hít phải khí CO thường có những triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt và có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh lý như nhiễm virus cấp. Nếu bệnh nhân không có chấn thương hoặc bỏng, triệu chứng trong ngộ độc CO thường là bị thay đổi tình trạng tinh thần, do đó việc kiểm tra thần kinh là rất quan trọng. Ngộ độc CO nặng có thể gây ra co giật, lú lẫn, hôn mê, ngất, tim mạch, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp thất, phù phổi, nặng hơn có thể tử vong.

Cách sơ cứu người nhiễm độc khí CO:

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt.

- Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở, nhanh chóng thổi ngạt miệng - miệng hay miệng - mũi.

- Nếu nạn nhân hôn mê thì cần cho nằm nghiêng tư thế an toàn.

- Nhanh chóng gọi 115 để hỗ trợ.

- Để tránh hít phải khí độc cần lấy khăn thấm nước che miệng và mũi để giúp lọc không khí khi hít thở. Tốt nhất là dùng mặt nạ chống khói nếu có.

- Các bệnh nhân hôn mê, hoặc những người có tình trạng tâm thần nặng phải được đặt nội khí quản nhanh chóng và thở máy bằng cách sử dụng oxy 100%.

T.H (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên tiếp các vụ ngộ độc khí CO khi sưởi ấm bằng than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO