PLBĐ - Ba cháu bé bị ong đốt thương vong; bé trai 7 tuổi bị điện giật; cháu bé hơn 1 tuổi tử vong trong xô nước tại nhà;... là những vụ tai nạn thương tích ở trẻ xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người xót xa. Điều này gióng đến hồi chuông cảnh báo đến người lớn cần trang bị cho con trẻ những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình.
Thời gian qua, tình hình tai nạn thương tích trẻ em trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc trẻ tử vong thương tâm do bị đuối nước, điện giật, rơi từng tầng cao chung cư,... khiến dư luận vô cùng xót xa.
Mới đây nhất, ngày 12/8, UBND huyện A Lưới ( tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, trên địa bàn xảy ra sự việc 3 cháu bé trèo hái nhãn không may bị đàn ong vò vẽ đốt. Vụ việc khiến cháu L.T.S.T (6 tuổi) không qua khỏi, 2 cháu còn lại vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Đáng buồn là những vụ tai nạn thương tâm như trên lại không phải hiếm. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7/2021 đến nay, trên cả nước đã có không ít trẻ tử vong thương tâm vì gặp tai nạn thương tích.
Cũng trong ngày 12/8, Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) cho biết trên địa bàn xảy ra sự việc bé trai 7 tuổi bị điện giật tử vong vào ngày 11/8.
Theo đó, vào khoảng 19h ngày 11/8, cháu N.H.L.N (7 tuổi, xã Hoàng Xá) được bố nhờ sạc điện thoại. Sau đó, bố cháu bé đi tắm. Khi tắm xong vào nhà, người bố phát hiện con trai nằm co quắp, tay vẫn cầm điện thoại nên tiến hành sơ cứu. Tuy nhiên, nạn nhân đã không qua khỏi.
Nhiều hàng xóm đến nhà chia buồn cùng gia đình nạn nhân. (Ảnh: H.H)
Trước đó, ngày 10/8, vụ việc cháu bé hơn 1 tuổi tử vong trong xô nước tại nhà giữ trẻ tự phát cũng khiến nhiều người xót xa.
Cụ thể, cháu T.Q.C (SN 2020) được gia đình gửi tại nhà bà P.T.P (SN 1973, trú thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk). Chiều 10/8, bà P. đưa cháu C. vào nhà vệ sinh để cháu tự đi vệ sinh. Khoảng 20 phút sau, bà P. quay lại thì phát hiện cháu bé đã tử vong trong tư thế chúi đầu vào xô nước.
Ngày 26/7, trên địa bàn xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng xảy ra trường hợp một cháu bé 19 tháng tuổi tử vong vì uống nhầm dầu hỏa.
Hay vào ngày 23/7, lãnh đạo phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay trên địa bàn xảy ra vụ bé trai khoảng 3 tuổi rơi từ tầng 6 xuống tầng 3 tử vong. Sự việc xảy ra vào tối muộn ngày 22/7. Nguyên nhân tai nạn ban đầu được xác định: sau khi cạy lưới chắn an toàn khu vực cửa sổ căn hộ, cháu bé bị rơi xuống tầng 3. Tuy được phát hiện đưa đi cấp cứu, nhưng bé đã tử vong trong đêm.
Qua những vụ việc đau lòng trên có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ luôn thường trực ở bất cứ đâu. Do đó, việc quan tâm phòng tránh các tai nạn thương tích cho trẻ cần được người lớn chú ý nhiều hơn.
Một số tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ và cách phòng tránh:
1. Ngã
- Giáo dục con trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm: nhảy từ trên cao, đuổi nhau chơi đùa ở những chỗ nguy hiểm, các trò như nhảy ngựa...
- Không khuyến khích trẻ leo trèo ở những nơi không an toàn như cây, cột điện, mái nhà…
- Không để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi quá cao trẻ không với tới được.
- Làm lan can (cầu thang, ban công), tay vịn cầu thang, lắp chấn song cửa sổ, làm cửa chắn cầu thang an toàn,...
- Luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân… (những nơi sinh hoạt của trẻ) khô ráo, không trơn trượt, không mấp mô lồi lõm.
- Đảm bảo những nơi sinh hoạt của trẻ (đặc biệt cầu thang…) phải có đủ ánh sáng.
- Vào phòng tắm đi dép để tránh bị trơn trượt khi chạy.
- Trao đổi với trẻ về nguy cơ ngã và các cách phòng tránh trên, đặc biệt các trẻ lớn phải trông trẻ nhỏ hơn.
2. Tai nạn bỏng/cháy
- Bố trí bếp nấu ăn hợp lý.
- Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn.
- Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy ...).
- Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu: tránh xa trẻ để không va đụng.
- Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun...
- Quản lý chặt chẽ chai lọ đựng hóa chất như chất tẩy rửa, acid.
3. Tai nạn giao thông
- Nói cho trẻ biết những tình huống dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT), những nguy cơ và hiểm họa của TNGT đối với sức khoẻ.
- Hướng dẫn trẻ cách đi lại an toàn.
4. Tai nạn cắt, đâm (vật sắc nhọn)
- Chỉ dẫn cho trẻ thấy được sự nguy hiểm khi sử dụng hay chơi đùa bên cạnh các đồ vật sắc nhọn.
- Dạy trẻ không bắt chước người lớn làm công việc nguy cơ: gọt hoa quả, thái thịt, khâu vá,… mà không có sự giám sát của người lớn.
5. Động vật cắn, đốt
- Nên nói cho trẻ biết sự nguy hiểm khi bị động vật cắn và các loại động vật cắn thường gặp.
- Hướng dẫn trẻ: không nghịch tổ ong, không trêu chọc chó, mèo và các vật nuôi, không chơi gần các bụi rậm để tránh bị rắn cắn,...
- Dạy cho trẻ em biết những con vật nguy hiểm, những con vật nào không nguy hiểm.
6. Đuối nước
- Hướng dẫn cho trẻ học bơi theo trường lớp có người quản lý.
- Phòng tai nạn đuối nước trong gia đình bạn bằng cách rào quanh ao hoặc nơi có nước sâu để bảo vệ trẻ em.
- Giếng, bể, chum vại, chậu nước và thùng nước phải có nắp đậy an toàn và chắc chắn.
- Hố vôi tôi đã sử dụng hết cần lấp kín để tránh các em chơi đùa bị rơi xuống hố.
- Trong mùa mưa lũ, cần phải có biển báo những chỗ nước sâu, nguy hiểm và nhắc nhở trẻ em tuân theo các lời chỉ dẫn.
- Luôn ở cạnh trẻ và theo dõi sát khi chúng tắm hoặc chơi ở chỗ có nước.
- Không để trẻ đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
7. Điện giật
- Để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được: để ngoài tầm với của trẻ, dùng chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện, các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục.
- Không dùng điện để đánh cá, diệt chuột, chống trộm.
....
T.H (th)