Liên tiếp những vụ ăn nhầm lá ngón tử vong: Cách nhận biết và sơ cứu khi ngộ độc

21/03/2022 10:43

PLBĐ - Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa không ít thông tin liên quan đến các ca ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn nhầm lá ngón. Vì vậy, việc xử trí đúng cách, kịp thời đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng của nạn nhân.

Những cái chết thương tâm do ăn nhầm lá ngón

Ngày 20/3, lãnh đạo xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) xác nhận trên địa bàn xã vừa xảy ra sự việc nhóm 6 người ăn nhầm lá ngón bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong.

Theo điều tra dịch tễ, một nhóm 6 người gồm 2 người quê ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang và 4 người cùng trú lại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn được thuê xây dựng một công trình tại thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Trong bữa ăn tối ngày 18/3, nhóm người này đã tự hái rau rừng để làm thức ăn. Do sơ suất, nhóm người đã hái nhầm lá ngón về xào măng tươi dẫn đến bị ngộ độ.

Đến rạng sáng 19/3, nhóm người trên có biểu hiện đau đầu, đau bụng, khó thở và nôn mửa. Sau khi được sơ cứu tại thôn Nà Cà, nhóm người trên được đưa về Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn cấp cứu. Tuy nhiên, 1 người đã tử vong sau đó là anh B.V.S. (33 tuổi, quê huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang).

Trong 5 nạn nhân còn lại, 4 người bị ngộ độc nặng phải chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Một người có tình trạng sức khỏe bình thường do bị đau dạ dày nên không ăn món măng xào.

Hiện, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đang hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời theo dõi sát tình trạng ngộ độc muộn của các bệnh nhân.

Liên tiếp những vụ ăn nhầm lá ngón tử vong: Cách nhận biết và sơ cứu khi ngộ độc - Ảnh 1.

Hái nhầm lá ngón ăn, 1 người tử vong, 4 người ngộ độc nặng ở Bắc Kạn. (Ảnh minh họa)

Được biết, vụ việc trên không phải trường hợp tử vong do ăn nhầm lá ngón hiếm hoi. Trước đó, ở nước ta đã ghi nhận nhiều người bị ngộ độc do ăn nhầm loại lá này.

Cụ thể, ngày 23/9/2021, em V.T.H. (SN 2008, trú ở bản Na, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, Nghệ An) khi cùng mẹ ở khu sản xuất trong rừng thì thấy đau bụng nên đã đi tìm lá ổi để ăn để chữa trị. Tuy nhiên, sau đó em có triệu chứng bị ngộ độc. 

Ngay sau đó, em H. đã được người thân đưa đến Trạm Y tế xã để cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Nhiều người nhận định, có thể em H. đi hái lá ổi nhưng vô tình hái nhầm lá ngón ăn dẫn đến tử vong.

Trước đó, ở tỉnh Hà Giang cũng đã xảy ra vụ việc 3 người chết, 2 người cấp cứu do hái nhầm lá ngón về nấu canh ăn. Theo đó, vào sáng ngày 12/7/2020, nhóm 5 người dân ở xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) hái rau rừng (tưởng lá chua) để nấu canh ăn sáng. Sau khi ăn, cả nhóm 5 người thấy buồn nôn, tê chân tay, tê miệng, khó chịu, liền gọi cho người thân lên đón đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên.

Ngay sau khi bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân (đều là nữ), đã có 3 người tử vong gồm: Trần Thị H. (SN 1967); Sằm Thị Đ. (SN 1962) và Hoàng Thị N. (SN 1971). Cả 3 nạn nhân đều trú tại thôn Nà Lách, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Hai trường hợp còn lại là Đặng Thị M. (SN 1976) và Tẩn Thị K. (SN 1960) cùng thôn với 3 nạn nhân trên đã được các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên chẩn đoán ngộ độc lá ngón. Bệnh viện đã tiến hành rửa dạ dày, cho các bệnh nhân thở oxy, truyền dịch và thực hiện các biện pháp cấp cứu khẩn cấp.

Đặc điểm và độc tính của cây lá ngón

Cây lá ngón có thân và phần cành không có lông. Trên phần thân hơi có khía dọc. Lá ngón có hình thuôn dài, mọc đối xứng, đầu nhọn, bóng nhẵn. Thông thường, lá ngón sẽ dài khoảng 7 - 12cm và có bề rộng 2,5 - 5,5cm. Chúng thường mọc thành chùm ở đầu cành. Hoa lá ngón thường nở vào tháng 6, 8, 10 và có màu vàng với 5 cánh. Quả của lá ngón có màu nâu, thon dài, rộng khoảng 0,5cm, không có lông bao quanh. Hạt lá ngón khá nhỏ, có màu nâu nhạt. Ở các cành non, lá sẽ có màu xanh lục nhưng khá nhạt. Đến giai đoạn già, lá sẽ chuyển dần sang màu xám nâu nhạt.

Liên tiếp những vụ ăn nhầm lá ngón tử vong: Cách nhận biết và sơ cứu khi ngộ độc - Ảnh 2.

Hình ảnh cây lá ngón.

Lá ngón là loại cây có độc tính cao, mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong.

Triệu chứng ngộ độc xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn hoặc uống nước luộc, nước giã lá, rễ, thân, hoa và quả từ vài phút tới 30 phút với biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt mỏi, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động cơ toàn thân, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp dẫn đến ngừng tim, nếu ngộ độc nặng có thể thêm triệu chứng co giật, hôn mê sâu, rối loạn thân nhiệt. 

Cách xử trí khi bị ngộ độc lá ngón

Nếu không phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu khẩn trương và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường chết sau 1-7 giờ ngộ độc. Do vậy, khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn: uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch. Sau đó khẩn trương vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc và tích cực tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên tiếp những vụ ăn nhầm lá ngón tử vong: Cách nhận biết và sơ cứu khi ngộ độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO