PLBĐ - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ ngộ độc tử vong có liên quan tới rượu methanol gây chấn động dư luận. Những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ngộ độc khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.
Nhiều vụ tử vong do ngộ độc rượu
Vụ việc gần nhất xảy ra vào ngày 5/8 tại TP. HCM. Theo đó, một nhóm sinh viên tổ chức đi ăn sau khi hết giờ làm thêm. Hôm sau, 2 người tử vong, 6 người đi cấp cứu.
Thông tin ban đầu cho thấy, nhóm sinh viên đã sử dụng 5 lít rượu có sẵn trong kho của quán từ tháng 5. Sau đó, họ pha với nước ngọt để uống. Đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn gốc của 5 lít rượu.
Được biết, nồng độ methanol trong máu của các bệnh nhân khi vào viện rất cao, đến 246,46 mg/dL ở một bệnh nhân nam. Hiện tại, 4 người đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, 2 người tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.
Trước vụ việc trên, thời gian qua, nước ta ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc tử vong có liên quan tới rượu methanol. Cụ thể, ngày 25/7, đại diện UBND xã Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ 3 người phụ nữ tử vong sau khi nhậu 2 ngày liên tiếp. Theo đó, ngày 20/7, bà N.T.L. (SN 1985) và Đ.T.L. (SN 1978) cùng 3 người khác nhậu tại nhà bà M.T.M. (SN 1968). Sau đó, 6 người này tiếp tục nhậu từ 9h cho đến 13h ngày 21/7. Đến tối 22/7, bà N.T.L., bà Đ.T.L. và bà M.T.M. có biểu hiện nôn ói, khó thở… nên được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển bà M. đã tử vong. 2 người còn lại cũng tử vong sau đó. Còn 3 người đàn ông nhậu cùng nhóm phụ nữ trên hiện sức khỏe bình thường.
Trước đó, tại xã Lát (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu khiến 2 người tử vong, 1 người bị ngộ độc nặng đã được điều trị tích cực và 1 ca được Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho về nhà theo dõi. Theo chẩn đoán ban đầu, các bệnh nhân này đã uống rượu có chứa hóa chất, nghi là methanol.
Ngộc độc rượu methanol nguy hiểm như thế nào?
Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi… Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Sau khi vào cơ thể, methanol được cơ thể chuyển thành axit formic. Chất này có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh trung ương cũng như võng mạc. Mức độ axit formic cao dễ gây suy đa tạng, toan chuyển hóa nghiêm trọng.
Các triệu chứng ngộ độc methanol gồm buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê. Theo các bác sĩ, sau 1-2 ngày uống rượu methanol, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt, sau đó trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong.
Cách xử trí ngộ độc rượu
Cách xử trí ngộ độc rượu khẩn cấp và an toàn nhất chính là gọi ngay đến số điện thoại cấp cứu và đưa người có dấu hiệu ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất. Trong thời gian chờ đợi thì người thân hoặc người xung quanh cần thực hiện một số cách sơ cứu tạm thời như:
- Giữ bệnh nhân tỉnh táo nhất có thể cho đến khi có y tế cấp cứu.
- Không nên để người bất tỉnh một mình để giúp tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Lúc này có thể đặt bệnh nhân nằm đầu cao hoặc ngồi. Trường hợp nếu không thể ngồi thì nên đặt người bệnh nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa.
- Hô hấp nhân tạo khi có dấu hiệu ngưng thở cho đến khi có hỗ trợ từ y tế chuyên nghiệp. Quan sát các diễn tiến của bệnh nhân để thông tin ngay khi có bác sĩ cấp cứu.
- Giữ người bệnh nằm yên và hạn chế cử động để tránh va đập vào các vật cứng.
- Giữ ấm cơ thể cho người bệnh để tránh hạ thân nhiệt đột ngột gây tử vong
- Ghi nhớ về loại rượu hoặc lấy mẫu loại rượu bệnh nhân đã uống để cung cấp cho bệnh viện. Điều này sẽ giúp các bác sĩ có thể xác định đúng loại ngộ độc để có thể xử trí ngộ độc cấp cứu kịp thời.
Phòng chống ngộ độc rượu như thế nào?
Các chuyên gia cho biết, để phòng chống ngộ độc rượu, người dân tuyệt đối không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; chỉ uống rượu với nồng độ cồn vừa phải phù hợp với tửu lượng của cơ thể; không nên sử dụng các loại rượu được pha từ nhiều loại rượu khác nhau. Cụ thể, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Ngoài ra, người dân không được sử dụng các loại rượu có chứa cồn công nghiệp; không uống rượu khi bụng đói hoặc khi có các dấu hiệu mệt mỏi trước đó. Khi có biểu hiện ngộ độc rượu thì cần tìm ngay đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.
T.H (th)