PLBĐ - Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại nhiều địa phương đã liên tiếp phát hiện và thu giữ số lượng lớn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Ngày 9/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã quyết định xử phạt hành chính 12 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Thanh Hà (do bà Nguyễn Thị Thanh Hòa làm chủ) về hành vi kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, ngày 7/9, Đội QLTT số 1 đã phát hiện hộ kinh doanh này tàng trữ 1.524 bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, bà Hòa không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ cũng như tính hợp pháp của lô hàng bánh Trung thu.
Bà Hòa cũng thừa nhận hành vi vi phạm trên. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật là 1.524 cái bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, chiều ngày 8/9, tại thôn La Lâm, xã La Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất phương tiện vận tải xe "luồng xanh" nhãn hiệu KIA mang BKS 81L-3345. Chiếc xe do ông Vũ Châu Quốc Hoàn (trú phường Yên Đỗ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển. Đội QLTT số 3 đã phát hiện và thu giữ hơn 3.000 bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc.
Toàn bộ số bánh được ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ông Hoàn - chủ lô hàng thừa nhận mua số bánh này trôi nổi trên thị trường để xuất sang Campuchia (qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) bán kiếm lời.
Ngày 20/8 vừa qua, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, thuộc địa bàn xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP. Hà Nội) phối hợp cùng Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) và Đội QLTT 9 (Cục QLTT Hà Nội) cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất một xe tải được đi "luồng xanh". Đoàn kiểm tra đã phát hiện trên xe có hơn 200.000 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong quá trình làm việc, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc của số bánh trên. Lái xe khai được thuê vận chuyển số hàng hóa này từ cửa khẩu Lào Cai đi TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ, khi qua địa phận Hà Nội thì bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.
Được biết, Tết Trung thu đang đến gần, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã đưa ra khuyến cáo: Khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản,... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, nguồn gốc sản phẩm, giấy phép của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cũng như đánh giá của người tiêu dùng trước đó. "Tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể", Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo.
T.H (th)