Liên tiếp vụ trẻ đuối nước thương tâm, làm sao để phòng tránh?

Thanh Hải 22/03/2019 10:08

PLBĐ - Từ đầu năm 2019 đến nay, dư luận cả nước đã không ít lần bàng hoàng, xót xa khi đón nhận những tin dữ về các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Để hạn chế những thương vong do đuối nước gây ra, các bậc cha mẹ cần biết cách phòng tránh kịp thời.

Liên tiếp những vụ đuối nước thương tâm

Vụ 8 học sinh Hoà Bình đuối nước thương tâm trên sông Đà chiều qua, ngày 21/3 tại bến sông thuộc phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình khiến cả nước bàng hoàng, đau xót. Sau vụ việc, trả lời phóng viên báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Trưởng Phòng giáo dục TP Hòa Bình nói: “Đây là vụ việc đau xót của ngành giáo dục thành phố.

Ngay sau khi nhận thông tin, Phòng Giáo dục thành Hòa Bình phối hợp với cơ quan chức năng, nhà trường và các gia đình giải quyết vụ việc. Chúng tôi đến nhà các cháu để thăm hỏi chia buồn...”

duoi-nc
Vụ đuối nước ở Hòa Bình khiến 8 em học sinh tử vong đang nhận được sự chú ý lớn của dư luận.

Như vậy, chưa đầy 3 tháng đầu năm 2019, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh, trẻ nhỏ đuối nước tập thể khiến dư luận không khỏi xót xa, lo lắng.

Cách đây chưa lâu, ngày 16/3 theo báo Giao thông, ông Đinh Văn Khiêm, Chủ tịch thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) xác nhận, chiều cùng ngày trên địa bàn xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm một phụ nữ và hai em học sinh tiểu học tử vong.

Ngày 11/3, sau khi đi học về, một nhóm học sinh cùng trú tại làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai) rủ nhau đi tắm tại một ao nước trong làng. Trong lúc chơi đùa, 2 anh em sinh đôi bị đuối nước. Thấy vậy, một bé trai 7 tuổi đã lao xuống cứu nhưng không thành. Hậu quả, khiến cả 3 cháu đều bị chết đuối.

Ngày 8/2, the tấn xã Việt Nam, ngày 8/2, nhóm học sinh lớp 9/1 Trường trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) rủ nhau tắm biển, chụp ảnh lưu niệm ở bãi biển xã Bình Minh, huyện Thăng Bình và không may bị sóng biển cuốn ra xa. Vụ đuối nước thương tâm đã làm 6 học sinh thiệt mạng.

Những vụ tai nạn đuối nước trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Đây không chỉ là nỗi đau của những người có con bị tử vong mà còn là nỗi canh cánh, bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào khi chưa trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết về bơi lội và xử lý tình huống dưới nước.

Nguyên nhân của những vụ trẻ đuối nước thương tâm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em bị đuối nước là do không có người lớn giám sát. Trong khi, những đứa trẻ này lại không có kỹ năng và không hề lường trước được sự nguy hiểm khi đến gần sông, hồ… Chẳng may, một người trong nhóm đang bơi bị chuột rút, tất sẽ cả lao vào cùng cứu, níu kéo nhau dẫn đến cùng chết đuối.

Từng là người có nhiều năm làm Giám đốc Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, theo ông An cần phải thực hiện tốt một số biện pháp phòng tránh đuối nước cơ bản. Trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt dưới 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các con không được đến gần sông, hồ, không đi theo các bạn xuống nước nếu không có người lớn đi cùng.

Tiếp đến là nhà trường và gia đình phải luôn có sự phối hợp để theo dõi, quản lý các em, đặc biệt vào những tháng cuối học kỳ II, thời điểm đầu mùa nắng nóng. Ngoài ra, cần luyện tập cho trẻ kỹ năng sơ cấp cứu, bơi tự cứu, bơi cứu đuối và không phải học bơi để lấy thành tích.

“Khi có bạn ngã xuống nước phải hô hoán kêu gọi mọi người quăng dây, quăng phao, cành cây, khúc gỗ… để cứu chứ không được ào ào nhảy xuống. Những chỗ sâu, trơn trượt, nước chảy phải có biển báo, rào chắn, người cảnh giới…”, ông An chia sẻ.

Một số biện pháp phòng đuối nước

Năm nào cũng vậy, đuối nước luôn rình rập trẻ em, đặc biệt là trong dịp hè, chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên quan tâm sát sao đến con em mình. Đồng thời, cần trau dồi những kỹ năng thực tế cho trẻ về những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên chú thực hiện những biện pháp phòng tránh đuối nước sau đây.

- Làm cửa chắn và rào chắn ở gần vùng sông nước, ao hồ, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.

- Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức sẽ hạn chế nguy cơ đuối nước.

- Dạy bơi cho trẻ: Nếu cha mẹ tự dạy bơi cho trẻ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho con em mình như cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, đeo kính bảo hộ mắt, xử lý sao khi bị chuột rút, đặc biệt dứt khoát không xuống nước tắm khi không có người lớn đi kèm...

img9309-1527252764

- Khi đi tắm biển hay sông, biến chỉ cho trẻ tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển. Không được cho trẻ nằm trên phao khi tắm biển, vì trẻ sẽ dễ bị cuốn ra xa rất nguy hiểm.

- Những gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu, chum, vại, thùng đựng nước, nếu không thể không có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

- Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

- Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò.

- Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.

T.H (T/h)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên tiếp vụ trẻ đuối nước thương tâm, làm sao để phòng tránh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO