Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích do tự chế pháo nổ

21/12/2021 20:25

PLBĐ - Vụ việc cháu bé 13 tuổi tử vong do quả pháo phát nổ trong quá trình tự chế khiến dư luận không khỏi xót xa. Trước đó, ở nước ta đã xảy ra không ít những vụ việc tương tự và để lại hậu quả nặng nề.

Ngày 21/12, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc 3 trẻ nhỏ thương vong do tự chế pháo nổ. Theo đó, khoảng 19h40 ngày 20/12, Công an huyện Lục Ngạn nhận được tin báo cháu Phan Công M. (SN 2008 - con anh Phan Văn D., trú tại xã Tân Hoa) tự chế pháo nổ trong nhà và bị phát nổ dẫn đến thiệt mạng.

Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Lục Ngạn đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Bước đầu xác định, tối cùng ngày, cháu M. sử dụng một số hóa chất trộn với nhau để cuốn thành các khối hình pháo nổ. Trong quá trình xảy ra vụ việc, có cháu L.P.L (SN 2004) và cháu H.L.H (SN 2006) ở cạnh nên bị thương tích nhẹ.

Liên tiếp các vụ tai nạn thương tích do tự chế pháo nổ - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc. (Ảnh: CACC)

Được biết, vụ việc trên không phải là trường hợp tự chế pháo nổ gây thương tích hiếm hoi. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn đáng tiếc do pháo tự chế phát nổ.

Cụ thể, ngày 13/12 vừa qua, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận bệnh nhân T.T.H (19 tuổi, ở Hải Dương) gặp chấn thương cực kỳ nghiêm trọng do pháo nổ. Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, H. mua bột về tự chế tạo pháo. Trong quá trình làm, pháo tự chế bất ngờ phát nổ. Người nhà nhanh chóng đưa H. đến bệnh viện tỉnh cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên được chuyển tiếp đến Bệnh viện Việt Đức.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà (Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức) cho biết, thời điểm nhập viện bệnh nhân H. trong tình trạng đa chấn thương: chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, vết thương nhãn cầu trái, vết thương dập nát bàn tay 2 bên (bên phải cụt chấn thương ngón I, II, bên trái dập nát gãy hở xương đốt bàn ngón I, cụt chấn thương đốt 3 ngón II). 

Do tình trạng vết thương bàn tay dập nát quá nặng, không có khả năng bảo tồn, các bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã tiến hành sửa mỏm cụt đến khối tụ cốt ngón I, II, sửa mỏm cụt đến đốt ngón III, IV, găm kim xương đốt bàn ngón I, III tay phải; găm kim xương đốt bàn, cắt cụt ngón I, sửa mỏm cụt đốt 3 ngón II.

Kíp bác sĩ chuyên khoa hàm mặt thẩm mỹ phẫu thuật điều trị đa chấn thương vùng mặt; kíp bác sĩ chuyên khoa mắt phối hợp xử lý vết thương mắt.

Liên tiếp các vụ tai nạn thương tích do tự chế pháo nổ - Ảnh 2.

Nam thanh niên được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: BVCC)

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã xảy ra vụ nổ pháo tự chế khiến 1 cháu bé tử vong. Theo đó, vào khoảng 19h30 ngày 6/2, em P.N.K (14 tuổi, sống cùng ông bà ngoại tại thôn Mỹ Tiến, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương) tự chế pháo bằng cách nhồi thuốc pháo vào ống tuýp nhôm, inox cắt. Pháo nổ khiến em bị nát phần ngực và tay. Mặc dù được gia đình đưa em đi cấp cứu nhưng do tình trạng bị thương quá nặng nên em đã tử vong.

Cũng tại Nghệ An, sáng ngày 29/1, đại diện huyện Tân Kỳ xác nhận trên địa bàn xảy ra vụ việc 2 học sinh thương vong do dùng thuốc nổ làm pháo. Cụ thể, khoảng 19h30 tối 28/1, nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ gia đình bà V. (xã Tân An, huyện Tân Kỳ), hàng xóm chạy sang thì phát hiện 2 nam sinh nằm bất động với vết thương. Sau đó, người dân địa phương đã đưa cả hai đi cấp cứu. Tuy nhiên, em Bùi Nguyễn Thuận M. (16 tuổi, cháu bà V.) đã tử vong. Em Bùi Duy M. (bạn của M.) bị thương nặng.

Vào ngày 5/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhân D.T.H (15 tuổi, ở Hải Dương) bị đa chấn thương do pháo tự chế phát nổ. H. cho biết, em cùng bạn mua bột về chế tạo pháo, trong lúc chế tạo thì đột nhiên phát nổ.

Trên đó là hàng loạt những vụ tai nạn thương tích do tự chế pháo nổ xảy ra trong thời gian qua. Những vụ việc này đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Qua đó, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của pháo tự chế. 

Để không gây nguy hại cho bản thân và xã hội, người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ. Đồng thời các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích do tự chế pháo nổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO