Một nhà thầu từng tham gia sửa chữa cầu Phong Châu lên tiếng; giá vàng nhẫn tăng cao nhất từ trước tới nay; tin mới vụ nhà thầu Nhật kiện chủ đầu tư metro TPHCM đòi 4.000 tỷ; nước thượng nguồn đổ về hồ Thác Bà giảm mạnh... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua
Sập cầu Phong Châu: Một nhà thầu từng tham gia sửa chữa lên tiếng
Chính quyền tỉnh Phú Thọ đã giao cho Sở Giao thông vận tải tổ chức nhiều đợt sửa chữa lớn để đảm bảo giao thông và duy trì khả năng khai thác công trình, đồng thời làm mới lớp mặt cầu và lề bộ hành đồng bộ với những kết cấu dầm mới. Hàng chục tỷ đã được rót vào đây, suốt nhiều năm qua.
Hàng chục tỷ đã được rót vào cây cầu Phong Châu trong suốt nhiều năm qua. Ảnh: D.V.
Chẳng hạn, mới nhất, hồi tháng 4/2023, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ với tư cách là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông làm bên mời thầu, đã tổ chức đấu thầu gói thầu "Thi công xây dựng công trình" với giá dự toán 4.408.565.000 đồng (4,4 tỷ đồng) thuộc dự án "Sửa chữa cầu Phong Châu, Km18+200, QL.32C, tỉnh Phú Thọ".
Tuy được đấu thầu rộng rãi, qua mạng, song chỉ có duy nhất 1 nhà thầu nộp hồ sơ đăng ký thực hiện và may mắn trúng gói thầu với giá rất sát so với giá dự toán là 4.400.019.019 đồng, chênh lệch là 8.545.981 đồng (8,5 triệu đồng). Nhà thầu được nhắc tới ở đây là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Ngọc Việt (viết tắt là Công ty Ngọc Việt), có trụ sở ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Trả lời Báo Công Thương về sự việc sập cầu Phong Châu, đại diện Công ty Ngọc Việt phán đoán nguyên nhân rất có thể đến từ tình hình bão lũ và thiên tai nặng nề trong những ngày gần đây.
"Nhịp cầu bị gãy đổ là do thiên tai, mưa lũ khiến nước sông Hồng dâng cao, làm thay đổi địa hình lòng sông khu vực này, tôi nghĩ như thế", đại diện Công ty Ngọc Việt phủ nhận trách nhiệm tại sự việc thương tâm này, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi không làm gì để ảnh hưởng đến cây cầu cả, khi bắt tay vào thi công cách đây hơn 1 năm, hiện trạng của cây cầu cũng bình thường, không có vấn đề cần chú ý".
Vẫn theo vị này, mặc dù giá gói thầu lên tới 4,4 tỷ đồng, tuy nhiên, nhà thầu chỉ thực hiện đánh gỉ, sơn kết cấu nhịp dàn thép, sơn lại lan can, sửa chữa khe co giãn, sửa chữa và thay mới hệ thống chiếu sáng... trong thời hạn cam kết là 120 ngày. "Chỉ là các hạng mục nhỏ, bên ngoài, chứ không đụng chạm gì đến kết cấu bên trong", phía Công ty Ngọc Việt thông tin thêm.
Tiếp tục tìm hiểu, được biết, từ năm 2020 tới nay, Công ty Ngọc Việt đã tham gia và trúng toàn bộ 10 gói thầu do Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ và hay được Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông phối hợp tổ chức, với tổng giá trị gần 64 tỷ đồng.
Giá vàng nhẫn tăng cao nhất từ trước tới nay
Sáng 15/9, giá vàng nhẫn tròn tiếp tục tăng lên mức 79,2 triệu đồng, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Giá vàng SJC duy trì mức 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Giá vàng nhẫn tròn lên mức cao nhất trong lịch sử.
Tập đoàn Phú quý nâng giá vàng nhẫn tròn 100.000 đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch ngày 14/9, lên mức 78 - 79,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay của vàng nhẫn tròn, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó.
Công ty SJC, Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn 77,8 - 79,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Giá vàng nhẫn tròn được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết 77,88 - 79,08 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Tại thị trường TPHCM, hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng nhẫn 77,8 - 79,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Giá vàng nhẫn tròn trong nước duy trì mức giá cao kỷ lục xuất phát từ đà tăng giá của giá vàng thế giới. Chênh lệch giá vàng nhẫn tròn 1 - 1,2 triệu đồng/lượng (tuỳ từng thương hiệu).
Các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết giá vàng miếng SJC 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Tin mới vụ nhà thầu Nhật kiện chủ đầu tư metro TPHCM đòi 4.000 tỷ
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), tình hình xử lý các vướng mắc giữa MAUR và nhà thầu Hitachi cơ bản đã có giải pháp được đồng thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Cụ thể, chủ đầu tư đã có giải pháp thanh toán tạm các chi phí do nhà thầu đề nghị đối với việc sử dụng thiết bị của nhà thầu Hitachi cho công tác đào tạo nhân sự vận hành và giai đoạn vận hành thử (80% giá trị chi phí được tư vấn đánh giá là phù hợp). Chi phí sau cùng và quyền được hưởng chi phí đó sẽ do Ban xử lý tranh chấp (DAB) hoặc Trọng tài thương mại quyết định.
Dự án có tổng mức đầu tư (sau điều chỉnh) là 43.700 tỷ đồng (ảnh: Duy Anh).
Hiện nay nhà thầu Hitachi đã phối hợp các bên liên quan bàn giao các đoàn tàu và thiết bị để phục vụ cho công tác đào tạo nhân sự vận hành trên chính tuyến của công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM từ ngày 15/8. Tiếp đó là giai đoạn vận hành khai thác thử (Trial-Run) đồng thời phục vụ công tác đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống nhằm hoàn thành dự án vào cuối 2024.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị cho biết, về cơ bản những nội dung liên quan đến việc xử lý vướng mắc của dự án đã được chủ đầu tư nỗ lực phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện phương án giải quyết trên tinh thần hài hòa, hữu hảo, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam nhằm quyết tâm đảm bảo tiến độ dự án.
Nước thượng nguồn đổ về hồ Thác Bà giảm mạnh
Chiều tối 12/9, hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái) vẫn đang điều tiết xả lũ qua 3 cửa.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà cho biết, đến ngày 12/9, lưu lượng nước thượng nguồn về hồ Thác Bà đã giảm mạnh so với những ngày trước. Tổng lưu lượng xả tại công trình đến 22h ngày 12/9 là 3.038m3/s (giảm so với thời điểm ngày 11/9 là hơn 200m3/s).
Hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái) vẫn đang điều tiết xả lũ qua 3 cửa.
Các địa phương vùng hạ du như thị trấn Thác Bà, xã Hán Đà, Đại Minh, nước đã rút sâu khoảng 1m so với ngày 11/9. Mực nước hồ Thác Bà cũng giảm mạnh so với những ngày trước. Số liệu đến 22h ngày 12/9 là 59,14m, rút gần 1m so với ngày 11/9.
Hồ Thác Bà thuộc địa phận 2 huyện Lục Yên và Yên Bình (Yên Bái) - là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1971 làm nghẽn dòng sông Chảy và tạo ra hồ. Vùng hồ có diện tích 23.400 ha, với diện tích mặt nước 19. 050 ha. Công trình có chiều dài 80 km, chứa được 3 đến 3,9 tỷ m3 nước.
Hồ Thác Bà có hơn 1.300 đảo lớn, nhỏ.
Người dân gom thực phẩm, siêu thị khẩn cấp chuyển hàng từ Nam ra Bắc
Vụ Thị trường trong nước cho biết, tính đến 12h ngày 11/9, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường. Các mặt hàng rau, củ, quả ở nhiều vùng bị ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch, vận chuyển. Các siêu thị đã chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam ra để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
Tại Quảng Ninh, một số mặt hàng như rau xanh, thịt có mức tăng từ 10-15% so với thời điểm trước bão. Tại Hải Phòng, tại các chợ, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả nguồn cung dồi dào, nhu cầu mua sắm không có biến động nhiều, tăng 5-10% so với ngày thường. Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đã tăng 80-100%.
Người dân xếp hàng dài chờ thanh toán tại siêu thị.
Do tâm lý lo ngại mưa lũ, sạt lở tại các tỉnh phía Bắc kéo dài, khách hàng vào mua sắm tại các siêu thị tăng đột biến, tăng từ 150-170% so với ngày thường. Người dân xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau xanh, các loại đồ ăn sẵn, bánh mỳ, lương khô, sữa, nước, giá cả hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định so với ngày thường. Lượng hàng bán ra tăng mạnh từ 50-80% so với ngày thường.
Ghi nhận thực tế của PV Tiền Phong, nhiều siêu thị ở khu vực Hà Nội đã nhanh chóng bị vét sạch rau xanh, thịt, thực phẩm cùng nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Trong khi giá nhiều mặt hàng rau xanh, củ quả tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Đầu giờ chiều 11/9, tại chợ cóc trên đường Thọ Lão, giá bí đỏ khoảng 25.000 đồng/kg; bí xanh 30.000 - 35.000 đồng/kg, rau muống từ 20.000 - 25.000 đồng/mớ, rau ngót 20.000 đồng/mớ… Giá các loại thịt, cá vẫn giữ ổn định.