Tại Tờ trình gửi UBTVQH, Chính phủ xây dựng lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính thành phố Huế.
Lộ trình giải quyết nhân sự sau khi thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương (Hình từ Internet)
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức rà soát, đánh giá và căn cứ theo nguyện vọng, trình độ, năng lực của từng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đảm bảo dân chủ, công khai, giải quyết chính sách thỏa đáng, tạo điều kiện để cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã yên tâm công tác và ổn định cuộc sống.
Tại Phụ lục II Tờ trình 496/TTr-CP ngày 20/9/2024 về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, xây dựng Phương án, lộ trình giải quyết cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Huế (trực thuộc trung ương) như sau:
(1) Đối với thành phố Huế trực thuộc trung ương:
Cơ bản giữ nguyên tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại. Tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại để tiếp tục bố trí, sử dụng cán bộ, công chức đủ năng lực chuyên môn; tiến hành đào tạo lại những người chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, những người còn thiểu các tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện việc tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và Nhà nước. Chuyển toàn bộ đại biểu HĐND tỉnh thành đại biểu HĐND thành phố và hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.
Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố Huế cơ bản giữ nguyên bộ máy và cán bộ, công chức của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại. Bố trí lại một số chức danh cho phù hợp với chức năng của thành phố trực thuộc Trung ương. Trong quá trình kiện toàn bộ máy, sẽ xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và phẩm chất theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lập kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ, công chức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền mới.
Đối với các tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn 26-HD/BTCTW ngày 30/11/2023 của Ban Tổ chức Trung ương và hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại ĐVHC thực hiện sắp xếp, thành lập.
Đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, UBND tỉnh sẽ phối hợp và báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đồng thời với Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Đối với đơn vị sự nghiệp trường học, trạm y tế: Thực hiện việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm phù hợp với quy mô dân số, bán kính phục vụ, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các ĐVHC công lập thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.
(2) Số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cấp huyện thực hiện sắp xếp, thành lập:
- Thị xã Phong Điền:
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị có liên quan là 1.999 biên chế (16 cán bộ, 116 công chức và 1.867 viên chức). Cơ bản giữ nguyên tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của huyện Phong Điền hiện tại. Tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại để tiếp tục bố trí, sử dụng cán bộ, công chức đủ năng lực chuyên môn; tiến hành đào tạo lại những người chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, những người còn thiếu các tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện việc tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và Nhà nước.
- Huyện Phú Lộc (sau khi nhập huyện Nam Đông và Phú Lộc)
Sau sắp xếp huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông để thành lập huyện Phú Lộc mới có 3.041 biên chế (khối Đảng, đoàn thể: 102 biên chế; khối chính quyền: 2.939 biên chế). Trong có, bố trí 2,997 biên chế (17 cán bộ, 182 công chức và 2.778 viên chức); dự kiến dôi dư 64 biên chế (16 cán bộ, 28 công chức, 20 viên chức).
- Quận Phú Xuân và Quận Thuận Hóa (sau khi điều chỉnh địa giới thành phố Huế hiện hữu thành 02 quận)
Tổng biên chế được giao của thành phố Huế (hiện hữu) có 6,093 biên chế, bố trí cho 02 quận, như sau:
+ Đối với quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa: Tổng biên chế được giao của thành phố Huế hiện hữu, gồm: 6.093 biên chế (17 cán bộ, 203 công chức và 5.873 viên chức; bố trí biên chế cho 02 quận như sau:
++ Đối với quận Phú Xuân: Dự kiến giao 2.487 biên chế (17 cán bộ, 71 công chức và 2.399 viên chức). Dự kiến thiếu 55 biên chế (17 cán bộ, 25 công chức và 13 viên chức).
++ Đối với quận Thuận Hóa: Dự kiến giao 3.606 biên chế (17 cán bộ, 115 công chức và 3.474 viên chức). Dự kiến đảm bảo đủ biên chế.
Theo đó tỉnh đã có phương án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gần với việc sắp xếp tổ chức Đăng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Trước mất ưu tiên bố trí theo hiện trạng, đối với dôi dư ở cấp huyện do sắp xếp là: 64 người dự kiến điều chuyển sang các vị trí phù hợp ở các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh còn thiếu, như quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa (hoặc thay thế các vị trí phù hợp ở đơn vị có người nghỉ hưu, nghỉ chế độ theo quy định); đồng thời, thực hiện giảm theo lộ trình từng năm để đảm bảo số lượng cấp phó và cán bộ, công chức đúng quy định; cụ thể:
+ Năm 2025:
Điều động, luân chuyển, nghỉ hưu theo chế độ: 40 biên chế (trong đó: Điều chuyển biên chế về 02 quận Phú Xuân và Thuận Hoá và các vị trí phù hợp ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh còn thiếu là 30 biên chế; nghỉ hưu theo chế độ chính sách là 10 người).
+ Năm 2026:
Điều động, luân chuyển, nghỉ hưu theo chế độ: 24 biên chế (trong đó: Điều chuyển biên chế về 02 quận Phú Xuân và Thuận Hoà và các vị trí phù hợp ở các đơn vị trên địa bản tỉnh còn thiếu là 19 biên chế; nghỉ hưu theo chế độ chính sách là 05 người).
Đến ngày 31/12/2026 sẽ không còn cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện dôi dư, đảm bảo số lượng theo quy định.
(3) Tổng số cán bộ, công chức tại 21 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập là 450 người (trong đó có 225 cán bộ, 225 công chức); bố trí đảm bảo theo quy định là 290 người (142 cán bộ, 148 công chức), dôi dư 160 người (83 cán bộ, 77 công chức). Số CBCC cấp xã dự kiến nghỉ hưu theo nghị định, đề nghị tinh giản biên chế và theo chính sách hỗ trợ của tỉnh; luân chuyển, điều động sang ĐVHC khác cấp xã khác còn biên chế chưa sử dụng,..., cụ thể:
- Năm 2024: giảm 104 người, - Năm 2025: giảm 22 người;
- Năm 2026: giảm 23 người,
- Năm 2027: giảm 11 người.
Theo đó, đến ngày 31/12/2027 sẽ không còn cán bộ, công chức cấp xã dôi dư; đảm bảo số lượng theo quy định.
(4) Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã: Tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại 21 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập là 280 người (bỏ trí đảm bảo theo quy định là 180 người, dôi dư 100 người). Dự kiến sắp xếp, bố trí hết đến ngày 31/12/2025, đảm bảo số lượng theo quy định.
Phương án giải quyết: Vận động, thuyết phục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP. Dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Như vậy, phương án tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức các cấp của thành phố Huế trực thuộc trung ương thực hiện theo hướng dẫn Nghị định 26/2015/NĐ-CP, Nghị định 29/2023/NĐ-CP và theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (ban hành chính sách riêng); theo đó, chậm nhất đến năm 2029 (theo phương án của tỉnh Thừa Thiên Huế là chậm nhất đến năm 2027) sẽ hoàn thành việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp.
Quá trình thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy và giải quyết dôi dư gắn liền với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ công việc của thành phố trực thuộc trung ương.