Loại hạt này rất giàu chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, có thể ngăn ngừa ung thư, bệnh tim và tiểu đường.
Gạo lứt đen, hay còn gọi là gạo tím, gạo cẩm có màu tím đen đặc trưng, xuất hiện từ hàng nghìn năm trước ở châu Á. Tại Trung Quốc dưới thời phong kiến, gạo lứt đen được cho là loại gạo quý hiếm và bổ dưỡng chỉ có thành viên Hoàng gia mới được thưởng thức.
Gạo lứt đen được đánh giá là một trong những loại gạo có hàm lượng protein cao nhất và rất giàu chất xơ. Cụ thể, 100g gạo lứt đen chứa 9g protein, nhiều hơn so với 7g protein trong gạo lứt nâu và 6,94g trong gạo trắng.
Trong 100g gạo lứt đen chỉ chứa 160 - 180 calo nên loại gạo này ngày càng được ưa chuộng dùng để thay thế cơm trắng, nhất là với những người đang muốn kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu.
Giàu chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể
Gạo lứt đen rất giàu axit amin, axit béo, vitamin E, vitamin B, canxi, sắt, kali, kẽm, magie,... Có đến 18 axit amin trong gạo lứt đen, quan trọng với nhiều chức năng trong cơ thể, từ việc cung cấp năng lượng đến cải thiện hệ tiêu hoá, tốt cho da và các mô. Trong 100g gạo lứt đen nấu chín chứa 2,4mg sắt, gấp 10 lần so với gạo trắng, khoáng chất cần thiết cho quá trình hình thành hồng cầu, đồng thời giúp tăng khả năng tập trung của trí não
Màu tím đen của gạo lứt đen đến từ chất chống oxy hóa anthocyanin, có tác dụng chống viêm và bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh mãn tính như bệnh tim, béo phì. Các nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy anthocyanin có thể cải thiện mức cholesterol và chất béo trung tính.
Anthocyanin trong gạo lứt đen có đặc tính chống ung thư mạnh. Đã có một số nghiên cứu và đánh giá cho thấy ăn nhiều thực phẩm giàu anthocyanin có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ung thư vú và một số loại ung thư khác. Anthocyanin cũng có trong các thực phẩm màu tím như cà tím, quả việt quất, khoai lang tím,... giúp bảo vệ tế bào chống lại stress oxy hóa, ngăn ngừa cả bệnh Alzheimer.
Kiểm soát đường huyết, hỗ trợ giảm cân
Chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật như phytochemical trong gạo lứt đen có thể cải thiện độ nhạy insulin, làm chậm hấp thụ đường vào máu, từ đó kiểm soát đường huyết. Hàm lượng chất xơ và protein cao trong gạo lứt cũng làm giảm đáng kể tình trạng đường huyết tăng đột biến sau khi ăn.
Chất xơ cũng giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, giảm lượng calo nạp vào, giúp hỗ trợ giảm cân và ngăn ngừa béo phì vốn là một yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu cho thấy ăn gạo lứt đen và các thực phẩm chứa anthocyanin khác có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Gạo lứt đen chứa lượng lớn chất chống oxy hóa carotenoid có liên quan đến việc bảo vệ các tế bào trong mắt khỏe mạnh, đặc biệt là võng mạc. Carotenoid cũng đã được chứng minh là làm giảm tác hại tiềm tàng của bức xạ tia cực tím (UV) và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, cũng như những bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác như thoái hóa điểm vàng, giảm nguy cơ mắc đục thủy tinh thể.
Stress oxy hóa có thể dẫn đến tổn thương gan, vậy nên thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như gạo lứt đen giúp gan khỏe mạnh hơn. Tác dụng giảm cholesterol của gạo lứt đen cũng có lợi cho gan, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Gạo lứt tốt cho sức khỏe nhưng chỉ nên ăn với một lượng vừa đủ để tránh gây khó tiêu, đầy hơi, ảnh hưởng đến đường tiêu hoá. Ngoài ra gạo lứt có thể chứa một lượng rất nhỏ thạch tín, vậy nên bạn cần vo kỹ trước khi nấu, có thể ngâm từ 30 phút đến vài tiếng, thậm chí ngâm qua đêm để hạn chế nguy cơ thu nạp quá nhiều thạch tín vào cơ thể.