Người bệnh tiểu đường (đái tháo đường) có thể chọn yến mạch cho bữa sáng. Nhiều nghiên cứu đã chứng mình rằng ăn yến mạch có thể cải thiện độ nhạy của insulin, giúp duy trì kiểm soát đường huyết ổn định.
Yến mạch là một lựa chọn tốt cho người bệnh tiểu đường. Với chỉ số đường huyết thấp (GI dưới 55), chất xơ hòa tan dồi dào và các hợp chất có lợi, nó giúp kiểm soát đường huyết một cách ổn định. Đây là thực phẩm lý tưởng cho bữa sáng thay thế gạo (cơm) hoặc bột ngô có chỉ số GI cao (trên 70).
Chất xơ từ bột yến mạch có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết cho người bệnh tiểu đường. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, người bị đái tháo đường nên ăn một lượng tối thiểu 25-30g chất xơ mỗi ngày. Việc bổ sung thực phẩm này vào chế độ ăn cho người tiểu đường giúp duy trì kiểm soát đường huyết ổn định. Hơn nữa, chất xơ giúp tạo cảm giác no lâu, giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn và có thể giúp trong việc giảm cân và duy trì sự cân bằng của đường huyết.
Theo nghiên cứu của Đại học Liên bang Lavras tại Brazil, bột yến mạch chứa beta-glucan, có khả năng làm giảm đường huyết và cholesterol cao. Nghiên cứu của Đại học Tứ Xuyên ở Trung Quốc cũng đã chứng minh rằng ăn yến mạch có thể cải thiện độ nhạy của insulin.
Vì vậy, người tiểu đường ăn yến mạch giúp kiểm soát lượng đường máu, tăng độ nhạy của insulin và giảm cholesterol xấu.
Yến mạch ít calo, giàu chất xơ tăng cảm giác no lâu hơn, giảm thèm ăn, hỗ trợ giảm cân. Người bệnh tiểu đường có thể bổ sung ít nhất 10 g chất xơ mỗi bữa từ thực phẩm như bột yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các loại đậu. Lượng chất xơ thấp có thể dẫn đến táo bón.
Yến mạch có chứa hợp chất avenanthramide giúp người tiểu đường giảm viêm, hỗ trợ ngăn bệnh tiến triển. Theo nghiên cứu năm 2014 của Trường Đại học Aberdeen, Anh, trên 22 người bệnh tiểu đường, chế độ ăn giàu yến mạch làm giảm các vi hạt trong tiểu cầu của máu. Các vi hạt này góp phần làm tăng đường huyết và viêm nhiễm.
Theo Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Mỹ, bệnh tim là biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường type 2. Ăn thực phẩm giàu chất xơ, chống viêm như yến mạch góp phần giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, yến mạch còn thúc đẩy giảm mức cholesterol cao - yếu tố gây ra bệnh tim.
Yến mạch nguyên hạt có chỉ số đường huyết (GI) thấp, được tiêu hóa và chuyển hóa chậm hơn. Hàm lượng chất xơ cao trong yến mạch giúp kiểm soát đường huyết. Hơn nữa, chấy beta-glucan (loại chất xơ hòa tan có trong yến mạch) còn làm tăng thời gian tiêu hóa và chậm quá trình giải phóng glucose (đường) trong ruột non. Nhờ đó, beta-glucan có thể cải thiện mức đường huyết sau bữa ăn và lúc đói ở người bệnh tiểu đường type 2.
- Người bệnh nên chọn yến mạch nguyên hạt, loại cắt nhỏ, tấm hoặc bột yến mạch nguyên chất. Tránh loại chế biến sẵn, ăn liền vì chúng chứa đường có GI cao làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn.
- Đồ ăn kèm với yến mạch nên chọn trái cây tươi, các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó thay vì trái cây khô hoặc thức ăn nhiều đường khác để tránh tăng đường huyết.
- Người bệnh tiểu đường tốt nhất nên ăn yến mạch vào buổi sáng, thời điểm này là cơ thể cần bổ sung nhiều năng lượng nhất trong ngày.